Làm gì để khơi thông được nguồn lực kiều hối?

PV.

Trong những năm qua, dòng kiều hối trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của đất nước.

Giai đoạn 2002–2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP. Nguồn: internet
Giai đoạn 2002–2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP. Nguồn: internet

Vẫn trong xu hướng tăng

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), với hơn 500.000 lao động xuất khẩu, khoảng 4 triệu người Việt Nam (tương đương 4,5% dân số quốc gia) đang sinh sống tại nước ngoài và thường xuyên gửi số lượng lớn kiều hối về nước, Việt Nam đang đứng thứ 3 tại châu Á, và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. 

Trong suốt 22 năm qua, dòng tiền này tăng khoảng gần 100 lần từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 11 tỷ USD năm 2013 và khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2015 và có xu hướng gia tăng do hiệu quả của chính sách xuất khẩu lao động cũng như các chính sách để thu hút dòng kiều hối của Chính phủ. 

Theo WB, năm 2015, kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 12,25 tỷ USD, đứng trong nhóm 11 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới. 8 tháng năm 2016, riêng lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. Hồ Chí Minh qua các kênh chính thức ước đạt 2,85 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.

Giai đoạn 2002–2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP trong khi đó dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP.

Theo các chuyên gia kinh tế, không khó để lý giải sự gia tăng trong dòng kiều hối vào Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, người Việt Nam xuất khẩu lao động và định cư ra nước ngoài ngày càng nhiều. Khung chính sách và quy định pháp luật ngày càng được hoàn thiện khuyến khích Kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh...

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách quản lý ngoại hối rất thông thoáng, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài gởi tiền về nước được thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng. Các dịch vụ chuyển tiền kiều hối ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao với sự đa dạng các hình thức chi trả như chi trả tại nhà, chi trả tại quầy, chi trả qua hệ thống ngân hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Kiều hối đang chảy vào đâu?

Theo WB, mặc dù là nước nhận kiều hối lớn nhưng việc sử dụng dòng tiền này ở Việt Nam lại chưa hiệu quả vì hơn 50% kiều hối chuyển về được chi vào tiêu dùng, một phần để trả nợ ngân hàng, gửi tiết kiệm trong khi phần dành cho đầu tư sản xuất - kinh doanh không nhiều.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trước đây, lượng kiều hối chủ yếu được chảy vào bất động sản, chứng khoán hay chi tiêu thì nay, giá trị kiều hối được đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản chỉ còn 16% – 17%, khoảng 11% gửi ngân hàng, 20% đầu tư kinh doanh vàng, phần còn lại là tiêu dùng cá nhân.

Trong khi đó, theo thống kê trong giai đoạn 3-5 năm gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và một số chuyên gia kinh tế, có tới 30% lượng kiều hối được gửi vào ngân hàng để lấy lãi, 20% đã mua vàng để tích trữ. Đồng thời, hơn 16% đổ vào bất động sản, 30% được đầu tư cơ sản xuất kinh doanh và dịch vụ, 5-7% dành cho tiêu dùng. Trong khi, lượng đầu tư gián tiếp như đầu tư vào thị trường chứng khoán còn quá nhỏ.

Làm gì với "mỏ vàng" kiều hối?

Để khơi thông được nguồn lực kiều hối, đưa dòng vốn này vào phát triển kinh tế đất nước lâu nay vẫn là câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý.

Theo GS.,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Nhà nước cần có chính sách toàn diện hơn để hướng dòng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh bởi đây là nguồn lực quan trọng cho đất nước trong bối cảnh vốn FDI bước vào thời kỳ ổn định và vốn ODA giảm dần ưu đãi.

Chuyên gia này cũng cho rằng, Nhà nước cần lập ra kênh thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước để cập nhật thông tin cho Việt kiều về chính sách và luật pháp mới, cơ hội kinh doanh để họ có thêm sự lựa chọn khi quyết định gửi tiền về nước theo kiều hối hoặc đầu tư.

Theo TS. Hà Thị Thúy Vân - Đại học Kinh tế Quốc dân, Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực con người như giáo dục…, giúp tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.

TS. Nguyễn Thị Ái Liên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng nếu môi trường đầu tư tốt, nhiều cơ hội kinh doanh thì người Việt Nam định cư và lao động ở nước ngoài sẽ gửi kiều hối về để đồng tiền của họ sinh lời. Nếu môi trường đầu tư không thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh thì kiều hối chủ yếu phục vụ mục đích tiêu dùng và hỗ trợ thành viên trong gia đình.

Một số chuyên gia còn cho rằng để tăng hiệu quả đầu tư kiều hối chúng ta phải thực sự cải cách theo kinh tế thị trường, cần coi trọng khối doanh nghiệp tư nhân, đối xử công bằng với họ.