Kiều hối - “mỏ vàng” chưa khai thác hết
Với lượng tiền được gửi về Việt Nam trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm, kiều hối được xem là nguồn lực khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để dòng tiền này phát huy được thế mạnh thì cần có những chính sách khơi mở, thu hút đầu tư.
Số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho thấy, hiện có gần 5 triệu người Việt Nam cư trú tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm 1993 - 2014, Việt Nam nhận tổng cộng 96,66 tỷ USD kiều hối, chiếm 6,8% GDP trong thời kỳ này.
Lượng kiều hối về Việt Nam đã tăng dần qua các năm, đạt mức trung bình trên dưới 10 tỷ USD/năm trong 5 năm trở lại đây. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015, kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 12,25 tỷ USD, đứng trong nhóm 11 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, WB cũng đánh giá, mặc dù là nước nhận kiều hối lớn nhưng việc sử dụng dòng tiền này ở Việt Nam lại chưa hiệu quả vì hơn 50% kiều hối chuyển về được chi vào tiêu dùng, một phần để trả nợ ngân hàng, gửi tiết kiệm trong khi phần dành cho đầu tư sản xuất - kinh doanh không nhiều.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam” do Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa tổ chức, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã đưa ra con số thống kê: Kiều hối đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trồi sụt lớn trong các giai đoạn khác nhau.
Cụ thể, từ năm 2010 - 2013 chiếm 27 - 30%, năm 2014 chỉ còn 16% và đến năm 2015 tăng lên tới 70,6%. Việc sử dụng kiều hối trong giai đoạn 3 - 5 năm gần đây được chỉ ra rằng: Có tới 30% lượng kiều hối được gửi vào ngân hàng để lấy lãi, 20% đã mua vàng để tích trữ, hơn 16% đổ vào bất động sản, 30% được đầu tư cơ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, 5-7% dành cho tiêu dùng.
Để khơi thông được nguồn lực kiều hối, đưa dòng vốn này vào phát triển kinh tế thông qua đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản, tăng cường cho sản xuất, kinh doanh, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần có chính sách cởi mở, thông thoáng và tạo điều kiện hơn nữa cho kiều bào ở nước ngoài gửi tiền về giúp gia đình.
Ngoài ra, tăng cường hơn nữa niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng và ổn định giá trị đồng Việt Nam… GS.,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE cho rằng, nhà nước cần có chính sách toàn diện hơn để hướng dòng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh bởi đây là nguồn lực quan trọng cho đất nước trong bối cảnh vốn FDI bước vào thời kỳ ổn định và vốn ODA giảm dần ưu đãi.
Còn theo khuyến nghị của TS. Hà Thị Thúy Vân - Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực con người như giáo dục…, giúp tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.
“Có thể nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia về các chính sách hướng các dòng kiều hối vào các chương trình phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.”- TS. Vân đề xuất.
TS. Lưu Bích Hồ - chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư nhấn mạnh, để tăng hiệu quả đầu tư kiều hối chúng ta phải thực sự cải cách theo kinh tế thị trường, cần coi trọng khối doanh nghiệp tư nhân, đối xử công bằng với họ.
GS. Nguyễn Mại đề xuất: Nhà nước cần lập ra kênh thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước để cập nhật thông tin cho Việt kiều về tình hình đất nước, chính sách và luật pháp mới, cơ hội kinh doanh để họ có thêm sự lựa chọn khi quyết định gửi tiền về nước theo kiều hối hoặc đầu tư.