Làm gì để ngành công nghiệp hỗ trợ "cất cánh"?
Việt Nam mới chỉ có khoảng 1.383 doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT), chiếm 0,3% trong tổng số DN. Với số lượng DN quá ít ỏi này, Việt Nam khó có thể phát triển nhanh, mạnh ngành CNHT, làm đòn bẩy gia tăng lợi ích từ các FTA trong bối cảnh hội nhập.
Đây là nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” tổ chức ngày 30/3, tại Hà Nội.
Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp CNHT (SIDEC), Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, hiện nay Việt Nam đã và đang tham gia 16 FTA, trong đó có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Đánh giá về tác động của các FTA đối với ngành CNHT của Việt Nam, bà Bình cho rằng, các FTA được kỳ vọng là cú huých mạnh để nâng cao kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNHT của Việt Nam, cơ hội để nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào rẻ hơn từ những quốc gia có chất lượng cao hơn, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cam kết chặt chẽ trong các FTA mà trực tiếp là quy định về nguồn gốc xuất xứ hay tỷ lệ nội địa hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan của các quốc gia thành viên, là động lực thúc đẩy phát triển ngành CNHT cũng như mở rộng quy mô sản xuất của các DN Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn lại thực trạng phát triển ngành CNHT của Việt Nam, bà Bình cho biết, hiện nay, ngành CNHT nội địa của nước ta vẫn chưa thực sự phát triển, tỷ lệ cung ứng linh kiện, phụ tùng nội địa cho các nhà lắp ráp còn thấp, vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu…
Đồng quan điểm, dẫn chứng cho điều này, ông Atsusuke Kawada, Trưởng văn phòng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của DN Việt vẫn rất thấp. Theo báo cáo điều tra của JETRO, tình hình mua linh phụ kiện tại chỗ của các DN Nhật Bản tại Việt Nam năm 2015 là 32,1%, nếu so với kết quả điều tra của năm 2010 là 22,4% thì có tăng 10%. Tuy nhiên, nếu so với kết quả điều tra của năm 2014 là 33,2% thì hoàn toàn không tăng.
“Nếu so tỷ lệ nội địa hóa củaDN Nhật Bản đang hoạt động tại các nước lân cận như Trung Quốc là 64,7%, Thái Lan là 55,5%, Indonesia là 40,5%, Malaysia là 36,0% thì tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam là rất thấp”, ông Atsusuke Kawada nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, ông Atsusuke Kawada cũng cho biết thêm, mặc dù nói tỷ lệ nội địa hóa là 32,1% nhưng trong đó, phần trăm mua từ các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam là 45,1%, từ DN Việt Nam là 41,2%, và phần còn lại 13,7% là mua từ các DN nước khác như Đài Loan… Nếu tính phần trăm mua từ các DN Việt Nam với tỷ lệ nội địa 32,1% thì thực chất tỷ lệ nội địa từ các DN Việt Nam chỉ không quá 13,2%.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội cho rằng, do CNHT chưa phát triển nên dù tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng công nghệ thấp, có tỷ lệ thâm dụng lao động cao...
“Các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới là đòn bẩy để Việt Nam đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa đất nước, thậm chí có thể đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp của thế giới. Tuy nhiên, điều kiện đủ phụ thuộc vào sự phát triển của ngành CNHT. Việt Nam sẽ không nhận được nhiều lợi ích từ các FTA trừ khi xây dựng thành công ngành CNHT”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Cần tạo làn sóng khởi sự doanh nghiệp CNHT
Ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công thương cho biết, hiện nay, theo thống kê Việt Nam mới chỉ có khoảng 1.383 DN CNHT, chiếm 0,3% trong tổng số DN.
“So với số lượng hơn 500.000 DN của Việt Nam thì tỷ lệ DN trong ngành CNHT còn quá ít ỏi. Chúng ta không thể phát triển tiến lên một nền công nghiệp hóa, cũng như phát triển một ngành CNHT vững mạnh nếu chỉ có chừng ấy DN. Hiện các chương trình khởi sự DN thường cũng chỉ chú trọng vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất nhỏ chứ rất ít DN khởi sự trong lĩnh vực CNHT…”, ông Tuất nói.
Theo ông Tuất, nguyên nhân chính khiến Việt Nam vẫn chưa phát triển được một số lượng lớn DN CNHT là bởi vẫn thiếu một “quốc sách” quyết liệt của nhà nước. Kinh nghiệm số một của các nước có ngành CNHT phát triển mạnh là phải có sự đầu tư xứng đáng của nhà nước cả về chính sách lẫn nguồn lực cho lĩnh vực CNHT. Việt Nam cần thiết phải có một luật riêng về CNHT chứ không chỉ dựa vào mấy nghị định để phát triển mạnh được lĩnh vực này.
Đồng quan điểm, ông Atsusuke Kawada chia sẻ, Việt Nam đã dành sự ưu tiên cho việc cấp vốn để phát triển ngành CNHT, cũng như các chính sách đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến phát triển ngành CNHT. Mặc dù vậy thì trên thực tế chưa thấy được hiệu quả cải thiện rõ rệt.
Theo khuyến nghị của ông Atsusuke Kawada, Chính phủ Việt Nam cần có thêm nhiều chính sách cho việc nuôi dưỡng sự phát triển của ngành CNHT. Trong đó, cần có đề án rõ ràng cho việc hỗ trợ và nuôi dưỡng các DN ưu tú của Việt Nam, những DN “đam mê sống còn” với ngành CNHT một cách tập trung triệt để. “Rất nhiều các hãng sản xuất lớn của Nhật Bản hoàn toàn trông cậy vào việc nhập khẩu linh phụ kiện từ khu vực Hua Nan Trung Quốc. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam cần dồn sự chú tâm vào việc nuôi dưỡng các DN Việt Nam để có thể sản xuất được những linh phụ kiện thay cho việc phải nhập khẩu chúng từ Trung Quốc”, ông Atsusuke Kawada chia sẻ.
Bên cạnh đó, từ góc độ DN, ông Hoàng Minh Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH 4P – một trong những nhà cung cấp bản mạch cho tập đoàn LG chia sẻ, DN Việt cần phát huy khả năng kết nối trực tiếp với các DN FDI để có thể đảm nhiệm từng khâu công việc, từng bước tạo dựng năng lực, tiến tới sản xuất và cung ứng linh kiện rộng rãi trên thị trường…
“Chúng ta là DN mới, không nên làm gì quá phức tạp, nên đi từ thấp tới cao, từng bước một. Chúng tôi cung cấp bản mạch cho tập đoàn LG cũng là kết quả sau 15 năm hợp tác làm việc, không phải làm ra đến chào là họ mua ngay đâu. Sau khi đã hợp tác họ sẽ chuyển giao công nghệ mềm cho chúng tôi”, ông Trí chia sẻ thêm.