Giải pháp tăng cường thu hút FDI vào các khu công nghiệp Hà Nội
Với những lợi thế vượt trội so với nhiều tỉnh, thành khác, Hà Nội được đánh giá là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn trong những năm qua, đặc biệt là vào các khu công nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ vững được vị thế và tiếp tục thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn này đang là vấn đề đặt ra…
Thực trạng thu hút FDI vào Hà Nội
Sau 27 năm, từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài và thực hiện chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2015, đã có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam; trong đó có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hà Nội dẫn đầu là Hàn Quốc, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore, Malaysia...
Hàn Quốc hiện có 940 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 5,3 tỷ USD (chiếm 21% tổng số dự án và 14% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam). Trung bình mỗi dự án FDI của Hàn Quốc đạt 8,78 triệu USD, bằng 63% quy mô trung bình các dự án FDI tại Việt Nam; Nhật Bản với 706 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 4,734 tỷ USD (chiếm 11% tổng vốn đầu tư). Quy mô vốn bình quân 1 dự án là 14,1 triệu USD/dự án; Singapore đứng thứ 3, với 228 dự án đầu tư vào Hà Nội với 4,2 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 16% tổng số dự án và 12,7% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam); Malaysia đứng thứ 4, các dự án tập trung vào lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng vốn lớn tới 50% trong tổng vốn đầu tư của Malaysia tại Hà Nội.
Tính đến hết năm 2015, trên địa bàn Hà Nội có 3.515 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký (lũy kế) đạt 26.761 triệu USD, chiếm trên 26% vốn đầu tư đăng ký của cả nước, vốn đầu tư thực hiện luỹ kế đạt khoảng 12,5 tỷ USD (chiếm khoảng 43%) do một số dự án đã giải thể, chuyển đổi thành 100% vốn trong nước hoặc chuyển địa phương khác. Tính riêng giai đoạn 2012-2015, Hà Nội thu hút được 1.116 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,372 tỷ USD đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI (chiếm 16,9% về số dự án và 10,07% về vốn đầu tư đăng ký).
Chỉ tính riêng thu hút FDI năm 2015 vào Hà Nội đạt 1,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1.100 triệu USD (tăng 8% so năm 2014). Các dự án có vốn giải ngân lớn như: Ngân hàng BNP Paribas - Chi nhánh Hà Nội (75 triệu USD); Công ty TNHH Aeon Mall Himlam (46,6 triệu USD); Dự án Tây hồ Tây (30 triệu USD); Lotte Coralis (30 triệu USD. Đa số các dự án FDI trên địa bàn Hà Nội được đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài (chiếm khoảng 76%), còn lại thuộc hình thức khác như liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Thu hút FDI vào các khu công nghiệp ở Hà Nội
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ có 33 khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao với diện tích khoảng 6.693 ha. Có 05 KCN trong danh mục quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020, nhưng đang trong giai đoạn lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, tổng diện tích khoảng 1.749,5 ha (KCN Đông Anh, KCN Nam Phú Cát, KCN Thanh Mỹ - Xuân Sơn, KCN Kim Hoa - phần diện tích thuộc địa bàn Hà Nội).
Đến nay, Hà Nội đã và đang phát triển 19 KCN, khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.121,2 ha. Trong đó có 08 KCN được thành lập và đi vào hoạt động với diện tích quy hoạch gần 1.231 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 952,5 ha, đã lấp đầy trên 90%. Ngoài ra, có 07 KCN đã có quyết định thành lập đang trong giai đoạn triển khai chuẩn bị đầu tư và xây dựng với tổng diện tích 1140,7 ha. Trong 8 khu trên, KCN Quang Minh I có số dự án đăng ký lớn nhất tới 189 dự án, trong đó có 95 là dự án FDI chiếm 51% số dự án.
Đặc biệt là KCN Bắc Thăng Long, là một trong những khu có tới 106 dự án FDI, nhiều nhất và không có nhà đầu tư trong nước, với số vốn đầu tư đăng ký cũng lớn nhất là 2.432 triệu USD chiếm 52% trong tổng số vốn đăng ký vào 8 KCN trên.
Năm 2015, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và chế xuất của Hà Nội không đạt mục tiêu đề ra. Ban Quản lý mới cấp cho 15 dự án đầu tư mới, với mức vốn đăng ký 26,2 triệu USD quy đổi, 20 dự án điều chỉnh tăng vốn với mức vốn điều chỉnh tăng 60,3 triệu USD quy đổi.
Tổng vốn thu hút đầu tư năm 2015 đạt 86,5 triệu USD quy đổi. Đến nay các KCN Hà Nội đã thu hút được 607 dự án trong đó, 315 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 4,9 tỷ USD; 292 dự án đầu tư trong nước vốn đăng ký gần 11.700 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư năm 2015 đạt 72,1% so với kế hoạch dự kiến và cao hơn 46% của năm 2014; Hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực doanh nghiệp FDI trong KCN của Hà Nội khá tốt thể hiện ở các chỉ tiêu trong Bảng sau:
Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN Hà Nội trong năm 2015 đạt 3.399 triệu USD tăng 7,7% so với năm 2014, đạt 101,4% so với kế hoạch đầu năm. So với toàn TP. Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN chiếm 29,94%. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp KCN Hà Nội đạt 3.456 triệu USD tăng 5,8% so với năm 2014, chiếm 13,5% so với tổng kim ngạch nhập khẩu toàn TP. Hà Nội. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong KCN vẫn duy trì được mức tăng trưởng. Năm 2015, doanh thu của các DN trong KCN đạt 6.012 triệu USD tăng 8,7% so với năm 2014 và đạt 98,6% so với kế hoạch đề ra, nộp ngân sách nhà nước 2.879,6 tỷ đồng tăng 13,2% so với năm 2014, đạt 101,2% so với kế hoạch đề ra.
Đến nay, tổng số lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn TP. Hà Nội có 141.015 người, tăng 2,2% so với năm 2014, trong đó gồm 139.817 lao động Việt Nam, 1.198 người lao động nước ngoài.
Trong những năm qua, thu hút FDI vào các KCN Hà Nội đã đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển Thủ đô, điều đó thể hiện trên các khía cạnh: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP và nguồn lực tổng vốn đầu tư xã hội của Thành phố; Kích thích phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên cơ sở tạo ra năng suất lao động cao hơn, tiếp thu chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến hiện đại, tạo giá trị nộp ngân sách lớn. Kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI tăng dần qua các năm, thường chiếm tỷ trọng cao trong các thành phần kinh tế và có tác động quyết định đến mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của Thành phố; Góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động...
Tuy nhiên, hiệu quả tổng thể của thu hút FDI vào KCN Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị gia tăng và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp, định hướng thu hút FDI theo ngành, theo đối tác còn hạn chế. Các dự án FDI trong các KCN thời gian qua sử dụng khai thác nhiều tài nguyên, thường tận dụng chính sách ưu đãi bảo hộ công nghiệp trong khi các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường chưa nhiều, phần lớn các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao thường chỉ thực hiện ở khâu gia công, lắp ráp. Xuất khẩu của khu vực đầu tư FDI trong các KCN chưa có sự thay đổi mạnh về chất, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cao, doanh nghiệp trong nước chỉ cung cấp được khoảng 15-20%, còn lại phải nhập khẩu.
Hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI trong các KCN sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế. Phần lớn các dự án được đầu tư theo hình thức 100% vốn FDI (chiếm khoảng 76%), tỷ lệ dự án nhà đầu tư nước ngoài hợp tác liên kết trực tiếp với nhà đầu tư Việt Nam để triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh còn rất hạn chế. Quy mô vốn đầu tư bình quân dự án nhỏ, trung bình chỉ đạt 7,51 triệu USD/1 dự án so với mức trung bình của cả nước là 14,42 triệu USD/1 dự án. Tỷ lệ vốn giải ngân chưa cao, mức vốn thực hiện chỉ chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Giải pháp tăng cường thu hút FDI vào KCN Hà Nội
Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn FDI vào Hà Nội nói chung và các KCN nói riêng trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các KCN nhằm quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Coi cải cách hành chính là giải pháp mang tính đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội. Chính quyền và Ban quản lý KCN cần sát cánh với các nhà đầu tư FDI giải quyết những khó khăn về các thủ tục hành chính cùng những khó khăn phát sinh trong tiến trình hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, Hà Nội cần hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức DN trong nước. Khẩn trương hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch phân khu để các ngành, các đơn vị có cơ sở rà soát và lập danh mục kêu gọi đầu tư, cũng như cập nhật được thông tin cho các nhà đầu tư biết và định hướng đầu tư cho phù hợp. Hỗ trợ thông tin liên quan đến đầu tư và khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh: Cung cấp thông tin chung về quy hoạch, kế hoạch phát triển; Triển khai các chương trình, hoạt động thu hút đầu tư FDI vào các KCN Hà Nội; Xây dựng và thực hiện các cơ chế phối hợp, hợp tác giữa Hà Nội với các bộ, ngành và các địa phương theo hướng rõ lĩnh vực, rõ việc, tạo điều kiện mở rộng thị trường, liên kết sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI trong các KCN Hà Nội với các doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI; định hướng phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, tăng cường đối thoại và phản biện xã hội. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn 2016-2020 và phù hợp với quy định của Chính phủ. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa phương; đồng thời, chú ý thu hút và chăm sóc những nhà đầu tư lớn, có sử dụng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Thực hiện chính sách ưu đãi về vay vốn, lãi suất, thuế đối với những dự án FDI trong các KCN có sự thân thiện môi trường, công nghiệp tiết kiệm năng lượng, công nghiệp hiện đại ít gây ô nhiễm môi trường, dịch vụ có chất lượng cao hay doanh nghiệp tạo ra phương thức sản xuất và kinh doanh mới.
Hoàn thiện các quy định liên quan đến đất đai, nhà ở; đồng thời kiến nghị xem xét việc mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất và tài sản khác tại Việt Nam, cũng như đơn giản hóa các quy trình, thủ tục này để họ có điều kiện an cư lập nghiệp xác định làm ăn lâu dài tại Hà Nội.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước trong thu hút FDI, thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội trong thu hút.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức bằng các cơ chế thu hút và sử dụng nhân tài; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn sâu về quản lý ở các lĩnh vực từ cấp thành phố đến cơ sở; đ ổi mới toàn diện và tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính trên cả ba phương diện: cán bộ, tổ chức bộ máy và thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trong KCN.
Thứ sáu, thực hiện các biện pháp để khắp phục, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút dòng vốn FDI vào KCN. Hoàn thiện các quy định nhằm hướng dẫn và kiểm soát môi trường trong các KCN. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu hao năng lượng, về đánh giá tác động môi trường đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường. Ban hành quy định về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và giám sát môi trường, quy định giới hạn lượng phát thải…
Thứ bảy, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào các KCN Hà Nội cần bố trí kinh phí cho các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN, nên tập trung xúc tiến tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia), Hoa Kỳ, Đức, Anh... Các hoạt động xúc tiến đầu tư cần tập trung quảng bá các ngành và lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh thu hút như các ngành dịch vụ, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, giáo dục – y tế chất lượng cao, nông nghiệp chất lượng cao...