Rụt rè nhập cuộc các FTA
Với nền kinh tế lấy xuất khẩu làm thước đo tăng trưởng như Việt Nam thì việc các doanh nghiệp nội rụt rè nhập cuộc vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) vì đang ở thế “chiếu dưới” vẫn là nỗi lo lớn nhất trong năm nay.
Theo Bộ Công Thương, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3 này là có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả tại các thị trường đã có FTA. Ngoài ra, Bộ này sẽ tiếp tục chủ động, tích cực trong đàm phán FTA nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, các DN nội địa vẫn chưa tận dụng được các cơ hội khi đã nhập cuộc vào một số FTA đang là nỗi lo lớn hiện nay. Nhất là khi lượng DN đầu tư nước ngoài (FDI) cùng hàng hoá nước ngoài đang đổ vào Việt Nam rất nhanh và mạnh để tận dụng các FTA.
Rụt rè là chết!
Trao đổi với giới DN tại Tp.HCM mới đây, ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), đã nói thẳng vấn đề này.
Ông Phú dẫn chứng với riêng FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc, chỉ trong hai tháng đầu năm 2016, để tận dụng cơ hội từ VKFTA, làn sóng DN Hàn Quốc đến Việt Nam đã tăng vọt lên đến 17-18% so với những năm trước. Đặc biệt là trong các lĩnh vực từ xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, ẩm thực, thuê xưởng, sản xuất…
“Trong khi đó, các DN tư nhân của Việt Nam do nguồn vốn và trình độ quản trị còn yếu nên vẫn rụt rè, số DN đầu tư ra nước ngoài để tận dụng các FTA với Hàn Quốc nói riêng và các FTA nói chung vẫn khá ít ỏi” – ông Vũ Bá Phú tỏ ý than phiền.
Theo thống kê, Hàn Quốc đã vươn lên giữ vị trí cao nhất trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tính đến cuối năm 2015, đã có khoảng 5.000 dự án đầu tư của Hàn Quốc còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 45 tỷ USD. Riêng năm 2015, Hàn Quốc xuất khẩu 27,8 tỷ USD vào Việt Nam và nhập khẩu 9,8 tỷ USD hàng hoá của Việt Nam.
Một điểm đáng lưu ý, trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA, có hiệu lực từ ngày 20/12/2015), phía Việt Nam đã cam kết xoá bỏ thuế quan cho 89,9% các dòng thuế cho các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc theo các lộ trình cắt giảm thuế trong vòng 15 năm.
Ngay trên sân nhà, cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch của Bộ Công Thương khi nói về các FTA, dù Chính phủ cố gắng giữ thị trường phân phối theo lộ trình nhưng nhìn lại hầu hết thị trường phân phối đã bị chiếm lĩnh bởi những nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó đòi hỏi cần có giải pháp hỗ trợ DN nội tìm cách giữ lại thị trường phân phối bán lẻ.
Nguy cơ vùng trũng?
Ông Phú chỉ rõ vấn đề: Với một quốc gia có khoảng 80 triệu dân như Việt Nam nhưng chỉ có 500 nhãn hàng được xếp vào loại tiêu chuẩn “hàng Việt Nam chất lượng cao” thì cũng là vấn đề đáng quan tâm. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam với nước ngoài là điều đáng lo. Dù có khơi thông thị trường xuất khẩu nhưng một vấn đề khác lại nổi lên, nhất là rào cản thương mại.
Về phía DN, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Group, đã nói thẳng không cần phải tránh né: “Khi thị trường mở cửa, nếu chuẩn bị hội nhập không tốt, Việt Nam sẽ trở thành vùng trũng hàng hoá của các nước trong khu vực”.
Trong buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp ở Tp.HCM hôm 8/3 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, cũng bày tỏ băn khoăn khi sản phẩm của DN Việt còn quá khiêm tốn, chưa có thương hiệu mang tầm quốc gia.
Ông Phong cho biết đại sứ liên minh EU mới đây có nói với ông rằng ở thị trường EU, có những mặt hàng nhập khẩu sản xuất tại Việt Nam đứng thứ hai nhưng 70% là của các DN FDI. Nếu nhìn vào tình hình “sức khoẻ” và “thể trạng” của các DN nội địa hiện nay để nhập cuộc các FTA, giới chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ khó thành công nếu thiếu chiến lược dài hạn và kinh doanh sáng tạo. Đó là một quá trình phát triển cần đổi mới liên tục với sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước.
Nói như TS. Trần Du Lịch, cơ hội mở ra nhưng nếu không biết tận dụng, thì có thể sẽ chuyển thành thách thức. Ngược lại, tuy đang là thách thức, nhưng biết cách vượt qua cũng có thể chuyển hóa thành cơ hội.
Trên thực tế, theo TS. Lịch, sẽ diễn ra tình trạng là cơ hội của ngành này, DN này, nhưng cũng lại là thách thức đối với ngành khác, DN khác.
Cũng cần nhắc lại, trong Báo cáo Việt Nam 2035 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới công bố có lưu ý rằng Việt Nam muốn tận dụng tốt nhất cơ hội từ các FTA mang lại thì có ba vấn đề lớn. Thứ nhất là cần chủ động khai thác triệt để các cơ hội của mô hình chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai là cần giảm bớt và hợp lý hoá những giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong các ngành dịch vụ chiến lược. Và vấn đề thứ ba là phân bổ nguồn lực cần hợp lý.