Làm gì để người dân "mặn mà" với thẻ tín dụng nội địa?

Theo daibieunhandan.vn

Hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng, trong đó thẻ tín dụng nội địa chưa đầy 500.000 chiếc và có thời điểm 90% thẻ tín dụng quốc tế dùng để chi tiêu trong nước. Tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” ngày 11/3, các đại biểu cho rằng bài toán phải giải là làm thế nào để người dân sử dụng các loại thẻ nội địa?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Biểu phí hợp lý, nhiều tiện ích

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa, tăng 50% so với năm 2019; số thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành là trên 475.000 thẻ, tăng 61,7% so với cuối năm 2019.

Bà Trần Thị An Dung - Giám đốc vùng tại Hà Nội của Ngân hàng Á châu (ACB) cho biết, thẻ tín dụng nội địa được khách hàng hưởng ứng tích cực và tăng trưởng đáng khích lệ. Từ năm 2017 - 2021, doanh số giao dịch thẻ tín dụng nội địa của ACB tăng trưởng bình quân 80%/năm.

Theo bà Dung, thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm rất phù hợp với khách hàng. Đây không chỉ là thẻ thanh toán thay tiền mặt mà còn cấp hạn mức tín dụng để khách hàng chi tiêu trước, thanh toán sau. Hơn thế nữa, chủ thẻ có thể rút tiền mặt với mức lãi suất ưu đãi vượt trội. “Ưu điểm này góp phần mạnh mẽ đẩy lùi tín dụng đen”, bà Dung nói.

Chia sẻ về tiện ích của thẻ tín dụng nội địa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh cho biết, thẻ có biểu phí hợp lý, bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên, giúp tiết kiệm phí thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ.

Bên cạnh đó, tính năng nổi trội là chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày. Có thể nói, đây là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ các tổ chức tài chính, đáp ứng nhu cầu cấp bách về tài chính cho người dân, góp phần ngăn chặn tín dụng đen - vốn gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Từ thực tế cùng NAPAS phát triển các dòng thẻ nội địa, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) xác nhận chi phí của thẻ nội địa tiết giảm rất nhiều so với dùng thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế. Nhờ đó, chi phí dành cho chủ thẻ cũng rất hấp dẫn. “Chúng tôi miễn rất nhiều chi phí cho chủ thẻ, chất lượng dịch vụ rất tốt. Trong khi đó hợp tác với các công ty nước ngoài thì ngân hàng phải thực hiện rất nhiều kết nối mà không phải lúc nào chất lượng kết nối cũng ổn định”.

Thị phần nhỏ bé

Tuy vậy, thị phần thẻ tín dụng nội địa còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng do gần 40 tổ chức phát hành. Gần 500.000 thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành rõ ràng chỉ là “số lẻ”.

Theo Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank Phạm Đăng Khoa, các ngân hàng Việt Nam và chủ thẻ hiện phải trả rất nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ quốc tế. “Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí, mà chúng tôi gọi là ma trận, phí chồng phí. Trong khi đó, rất nhiều người Việt đang sử dụng thẻ quốc tế cho các mục đích tiêu dùng trong nước. Có thời điểm 90% thẻ tín dụng quốc tế dùng để chi tiêu trong nước. Do đó, bài toán chúng ta phải giải là làm thế nào để người dân sử dụng các loại thẻ nội địa?”

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Lê Văn Tuyên cho rằng, nhiều người dân, đặc biệt ở khu vực thành thị đã tiếp cận rộng rãi và thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân ở vùng nông thôn chưa được tiếp cận sản phẩm hữu ích này dù họ có thu nhập ổn định, có khả năng trả nợ và có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, mua hàng trên các sàn thương mại điện tử trong nước, đóng bảo hiểm… Theo ông Tuyên, đây là phân khúc khách hàng rất tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ khai phá nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện và đẩy lùi tín dụng đen. 

Nếu khách hàng đã sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, qua thẻ thì họ có xu hướng không dùng tiền mặt nữa, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nêu quan điểm. Tuy nhiên, để họ sử dụng thẻ nội địa lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được.

Thời gian tới, ông Dũng đề nghị các tổ chức phát hành thẻ truyền thông rộng rãi cho khách hàng về thẻ tín dụng nội địa; xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp; mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế... 

Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa; bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và thẻ nội địa nói riêng cũng như quyền và lợi ích của chủ thẻ.