Làm gì để quản lý hiệu quả nguồn lực doanh nghiệp ở Việt Nam?
Đây là vấn đề đặt ra đối với hầu hết các doanh nghiệp. Bởi nó liên quan trực tiếp và quyết định đến sự phát triển, lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý. Tuy nhiên, theo thống kê, phần lớn các DN mới ứng dụng CNTT ở giai đoạn 3, mức tác nghiệp rời rạc.
Các DN đều có các quy trình riêng trong việc xử lý, lưu trữ dữ liệu tác nghiệp theo đặc điểm riêng của từng DN bằng sổ sách, giấy tờ, các bảng tính Excel, một số chương trình phần mềm xây dựng riêng biệt như các phần mềm kế toán, phần mềm quản lý khách hàng, phần mềm quản lý vật tư, phần mềm quản lý nhân sự tiền lương…
Đa số lãnh đạo các DN Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong tác nghiệp điều hành DN nhưng triển khai ứng dụng còn khá lúng túng trong lựa chọn giải pháp đồng bộ dẫn đến ứng dụng manh mún rời rạc hiệu quả không cao.
Điển hình là, nếu các cán bộ nằm trong bộ máy nhà nước có nhận thức khá hơn về thương mại điện tử nhờ có chương trình quốc gia về CNTT được triển khai từ năm 1996 nhưng đa số người làm trong DN nhận thức về thương mại điện tử là còn kém, kỹ năng nghiệp vụ và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý còn thấp, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Bản thân phần lớn DN khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực và thiếu các tổ chức để tư vấn, hỗ trợ triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT phần lớn tập trung vào kế toán tài chính, vật tư, hàng hóa. Chưa đảm bảo tính toán tối ưu khai thác khả năng, nguồn lực của DN để có tính hiệu quả cao.
Cùng với đó, DN chưa nhiều đơn vị có được quy trình quản lý sản xuất từ khâu lập kế họach đến theo dõi điều độ thực hiện. Ngoài ra, hệ thống báo cáo của DN hiện nay sử dụng các phần mềm rời rạc còn nặng tính thống kê, không tức thời, chưa đủ cho phân tích quản trị rất cần cho DN.
Để giải quyết những tồn tại trên, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu thì việc ứng dụng quản lý tổng thể DN, trong đó có hoạch định nguồn lực là hết sức cần thiết.
Theo đó, DN cần quản lý thành hệ thống thông tin thống nhất trong toàn bộ công ty bao gồm tất cả các phòng ban chức năng, các xí nghiệp thành viên, các xưởng sản xuất… Hệ thống đó sẽ chia sẻ dữ liệu quy trình sản xuất kinh doanh cho toàn bộ hệ thống của DN; Đồng thời, cung cấp thông tin nhất quán, kịp thời cho quá trình ra quyết định trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Bên cạnh đó, DN phải đảm bảo tính tự động hoá cao, tích hợp được quy trình sản xuất kinh doanh tối ưu. Để thực hiện được điều này, DN cần tích hợp các công nghệ đặc thù của ngành. Việc kết nối này cũng cho phép cán bộ kinh doanh tính toán nhanh chi tiết giá thành chào hàng trong quá trình đàm phán chuẩn bị nhận đơn hàng gia công mới.
Việc ứng dụng quản lý tổng thể đòi hỏi tính linh hoạt và tính mở rất cao. Do đó, hệ thống cần linh hoạt trong tối ưu quy trình thiết kế, quy trình sản xuất, thống kê được năng lực sản xuất, năng lực máy móc, tiêu hao nguyên phụ liệu, nhân công để luôn đảm bảo tiến độ, chất lượng và yêu cầu cho các đơn hàng. Hệ thống đòi hỏi tính mở cao vì tốc độ phát triển của doanh nghiệp là khá lớn cộng với những thay đổi do môi trường tác động đòi hỏi hệ thống phải tương thích đáp ứng.
Trong sản xuất, do số lượng danh điểm trong quản lý sản xuất là rất lớn và cần lưu trữ để phục vụ phân tích thống kê nên việc quản lý danh điểm ngoài yêu cầu đáp ứng theo dõi nguyên phụ liệu, phải đảm bảo tốc độ xử lý, thời gian nhập liệu nhanh, thuận tiện trong kiểm soát danh điểm. Đây là một trong những yếu tố quyết định hệ thống ứng dụng quản lý nguồn lực dùng được hay không.
Ứng dụng quản lý nguồn lực trong DN Việt Nam là xu hướng tất yếu để quản trị DNmột cách tổng thể và tối ưu nhất phù hợp với các nhu cầu ứng dụng công nghệ và giải pháp hiện đại, toàn diện hiện nay.
Quản lý nguồn lực thành công sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho các DN trong việc nâng cao năng lực quản lý của lãnh đạo, hiệu quả công việc của toàn bộ doanh nghiệp, tạo môi trường thống nhất cho phép DN khai thác các thông tin thuận lợi và trao đổi thông tin với các đối tượng khác ngoài DN một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.