"Làm mới" thị trường để giữ chân và thu hút khối ngoại
Việc cải cách toàn diện, quyết liệt và nhất quán của cơ quan quản lý, cùng quyết tâm nâng cấp, mở rộng hàng hóa trên thị trường sẽ giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn trong “ánh nhìn” của nhà đầu tư ngoại.
Bài học kinh nghiệm từ thị trường khác
Thời gian qua, cơ quan quản lý không ngừng nỗ lực và quyết tâm hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nhiều rào cản pháp lý đã được tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, trước những biến động không lường của kinh tế toàn cầu, rủi ro tỷ giá… dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục chảy ra khỏi Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm từ 22% xuống còn khoảng 14%.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư ngoại, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, đầu tư cũng giống như "du lịch và ẩm thực". Nếu như trước đây nhà đầu tư nước ngoài biết đến Việt Nam có TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để du lịch và làm ăn thì gần đây họ thấy ở Việt Nam không có nhiều điểm thú vị, món ăn mới để thu hút sự quan tâm của họ. Trong khi nhiều thị trường khác có điều đó.
Thực tế có không ít thị trường chứng khoán thực hiện cải cách, đổi mới về hàng hóa để thu hút nhà đầu tư ngoại, tạo nên sức ép đối với các tổ chức xếp hạng thị trường để nâng hạng.
Cụ thể như thị trường chứng khoán Ả Rập Xê Út (còn gọi là Tadawul). Mặc dù không đáp ứng đủ các tiêu chí nâng hạng của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE hay MSCI trước đây, thị trường này vẫn được chú ý nhất. Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vẫn rót hàng chục tỷ USD vào Ả Rập Xê Út hàng năm.
Thực tế, trước năm 2015, thị trường chứng khoán Ả Rập Xê Út còn khắc nghiệt hơn cả Việt Nam hiện tại. Họ không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia, áp dụng prefunding và có chu kỳ giao dịch dài hơn T+2. Nhưng chỉ trong vòng 4 năm ngắn ngủi, từ năm 2015-2019, Ả Rập Xê Út đã thực hiện một loạt cải cách mang tính cách mạng về mặt pháp lý như nới lỏng các yêu cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện chào bán chứng khoán công khai (IPO) Tập đoàn Dầu khí Saudi Aramco, tích cực nâng cao tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp. Họ yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế và tăng cường bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số… Chính những điều này đã giúp cho Tadawul trở nên hấp dẫn hơn cả trong mắt của nhà đầu tư ngoại.
“Sức ép” từ dòng vốn ngoại khổng lồ đã khiến FTSE Russell công bố quyết định nâng hạng thị trường Ả Rập Xê Út từ "Thị trường cận biên" lên "Thị trường mới nổi hạng 2". Sau đó, vào tháng 6/2018, MSCI cũng nâng hạng Ả Rập Xê Út lên thị trường mới nổi.
Câu chuyện của Ả Rập Xê Út mang đến nhiều bài học quý giá cho Việt Nam. Nó cho thấy tầm quan trọng của việc cải cách toàn diện, quyết liệt và nhất quán. Việc bãi bỏ prefunding là bước đi đúng đắn, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng thị trường, như việc áp dụng T+2. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất vào tháng 3/2025.
Phải gia tăng hàng hóa
Ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính đã tiến hành sửa quy đổi quy trình, quy chế như Thông tư số 68/2024/TT-BTC, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định Luật Chứng khoán để “mở rộng cửa” đón nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường cần phải có hàng hóa, đa dạng và chất lượng. Bên cạnh đó, vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu tại nhiều doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài là bằng 0, do đó nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Chuyên gia kinh tế, Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy, cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang thiếu hàng hóa.
Theo ông Linh, hàng hóa trong quá trình nâng hạng rất quan trọng. Tại thời điểm năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có khoảng 3 cổ phiếu Việt Nam được vào chỉ số MSCI Emerging Markets Index, ví dụ như VNM, do tỷ lệ free float lớn. Trong khi đó, chỉ số này có hơn 1000 cổ phiếu, có nghĩa là, số lượng mã cổ phiếu của Việt Nam trong rổ MSCI Emerging Markets Index chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
"Chúng tôi đã hi vọng từ năm 2017 chúng ta có thêm nhiều hàng mới niêm yết như trường hợp của Thaco nâng lên đặt xuống mãi cuối cùng cũng chưa niêm yết, nếu thêm được những công ty như vậy thì sẽ có sức hút hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Thiếu hàng hóa còn do vấn đề cơ cấu kinh tế, chiến lược cổ phần hóa, liên quan nhiều đến vĩ mô...", ông Linh nói.
Lấy ví dụ về thị trường chứng khoán khác trong khu vực, ông Linh cho biết, Indonesia là một thị trường có rất nhiều tiềm năng. Theo thống kê của PWC năm 2023, giá trị IPO của Indonesia là 3,6 tỷ USD. Một loạt các công ty của Indonesia nổi lên từ hoạt động khai khoáng, khai thác mỏ đồng, sản xuất pin cho xe tiện, tivi... Đây chính là lượng hàng hóa lớn, tiềm năng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, lượng vốn huy động từ IPO ở Việt Nam là khoảng 7 triệu USD, là con số khá khiêm tốn so với 3,6 tỷ USD của Indonesia năm 2023.
“Những con số này cho thấy thị trường chứng khoán nước ta còn thiếu hàng hóa. Tôi biết, cơ quan quản lý đang rất nỗ lực cho tiến trình nâng hạng, nhưng nâng hạng và giữ hạng lại là hai câu chuyện khác nhau. Mà để tối ưu hóa việc nâng hạng, giữ hạng, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bắt buộc chúng ta phải nâng cấp, mở rộng hàng hóa của thị trường. Khi đó, tự khắc dòng vốn ngoại sẽ tự tìm đến Việt Nam”, ông Linh cho biết.