Làm nông hiện đại


Sản xuất nông nghiệp của TP. Cần Thơ chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế gắn với tăng trưởng xanh bền vững và tích hợp đa giá trị. Người nông dân đã hiện đại hóa sản xuất, làm chủ các công nghệ và nắm bắt các xu thế mới để sản xuất đạt hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nông dân tại huyện Thới Lai thu hoạch lúa và rơm bằng máy. Ảnh: Khánh Trung
Nông dân tại huyện Thới Lai thu hoạch lúa và rơm bằng máy. Ảnh: Khánh Trung

Hiện đại hóa sản xuất

Những ngày cuối năm, chúng tôi về thăm Hợp tác xã (HTX) New Green Farm ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Trồng lúa chất lượng cao, an toàn và tận dụng tốt rơm rạ để làm nông theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông dân tại HTX đã liên tục gặt hái những vụ mùa thắng lợi trong năm 2023 và hiện đồng ruộng đang tiếp tục được phủ một màu mạ xanh tươi, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Ði trên con đường bê tông rộng lớn bao quanh cánh đồng lớn, có thể dễ dàng quan sát cảnh bà con đưa nhiều loại máy móc vào phục vụ sản xuất. Nông dân HTX không chỉ sử dụng máy bay nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa mà còn áp dụng cơ giới trong thu hoạch rơm phục vụ trồng nấm và sản xuất phân bón hữu cơ.

Anh Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, vui vẻ cho biết: “Nông dân trồng lúa không còn vất vả như xưa nhờ các khâu trong quá trình sản xuất đều đã có máy móc làm thay cho sức người. Câu chuyện về những cánh đồng “không dấu chân” nhưng cây lúa vẫn lên tươi xanh và cho những mùa bội thu đã không còn là chuyện lạ. Bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2023-2024 này, nông dân tại HTX rất phấn khởi bởi liên tục đạt được thắng lợi trong các vụ lúa trước đó nhờ trúng mùa và bán được giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Càng vui hơn khi nhiều nông dân có thêm nguồn thu nhập khá lớn từ tận dụng phụ phẩm rơm rạ để trồng nấm rơm và sản xuất phân bón hữu cơ, không còn đốt bỏ lãng phí rơm”. Không chỉ ở Thốt Nốt, tại các địa phương trồng lúa ở Cần Thơ, nông dân đều đã đưa máy bay nông nghiệp và các máy móc, công nghệ tiên tiến vào phục vụ từ các khâu làm đất, gieo cấy đến bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch lúa. Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho nông dân hiện đại hóa sản xuất và nhanh chóng đưa nông sản đến nơi tiêu thụ.

Trong sản xuất trái cây, rau màu, hoa kiểng và chăn nuôi, nông dân cũng đã quen dần với việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung để thuận lợi áp dụng cơ giới hóa và chuẩn hóa sản xuất đạt các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, việc áp dụng khoa học, công nghệ mới là rất quan trọng nhằm tiết kiệm chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nông dân HTX không chỉ đã áp dụng các hệ thống phun tưới nước và bón phân tự động cho vườn cây, mà còn ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và kết nối với các nhà tiêu thụ. Hiện HTX có 29 thành viên, với hơn 22ha canh tác nhãn theo hướng chất lượng cao, an toàn và đã có mã số vùng trồng để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Hướng đến đa giá trị và bền vững

Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ đã hỗ trợ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp công nghệ thông minh và công nghệ cao. Thực hiện chuẩn hóa sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Các biện pháp cải tạo giống cây con, cải tiến phương pháp canh tác mới cũng được áp dụng làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và tăng cường liên kết, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với chế biến, xuất khẩu.

Làm nông hiện đại - Ảnh 1

Nhờ liên kết với nông dân và ứng dụng các công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất và chế biến, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An ở quận Thốt Thốt đã cho ra thị trường được nhiều loại gạo ngon, gạo hữu cơ. Ảnh: Khánh Trung

Với khoảng 78.000ha đất canh tác lúa, hiện mỗi năm TP. Cần Thơ sản xuất 3 vụ lúa đạt sản lượng từ 1,3-1,4 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao và lúa thơm, đặc sản chiếm tỷ lệ trên 95%. Thành phố có khoảng 1.915ha đất trồng cây hằng năm khác và 30.872ha đất trồng cây lâu năm, trong đó có hơn 25.000ha cây ăn trái. Sản lượng trái cây đạt hơn 194.500 tấn, sản lượng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt hơn 200.000 tấn.

Thành phố đã có vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây ăn trái với diện tích hơn 10.390ha và vùng chuyên canh rau màu tập trung 229ha, vùng tập trung nuôi cá tra khoảng 800ha. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP, GlobalGAP, SRP, sản xuất theo hướng hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn… được phổ biến nhân rộng và hiện đã có khoảng 1.500ha diện tích sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt theo các tiêu chuẩn. Ðồng thời, xây dựng được 99 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, với 260 sản phẩm được xác nhận trong chuỗi.

Các địa phương cũng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp cũng đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp tạo ra các sản phẩm chất lượng và có giá trị cao. Cần Thơ cũng xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tạo ra đa giá trị nhờ khai thác tốt các phụ phẩm, cũng như kết hợp với phát triển du lịch và phát triển sản phẩm OCOP.

Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, tới đây ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục quan tâm tiếp thu hiệu quả các thành tựu của cuộc cánh mạng khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại gắn với tăng trưởng xanh bền vững. Phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, minh bạch sản phẩm và nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cao. Tổ chức sản xuất gắn với bảo quản, chế biến gắn với thương mại nông sản và phát triển du lịch nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và ứng dụng cơ giới đồng bộ trong nông nghiệp. Ðẩy mạnh các giải pháp chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tăng cường kêu gọi đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành Nông nghiệp huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần đưa TP. Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng ÐBSCL.

Theo Khánh Trung/ Báo Cần Thơ