"Lạm phát dưới mức mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước có thể không cần tăng lãi suất"
Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể không cần tăng lãi suất, do lạm phát dự kiến vẫn dưới mức mục tiêu 4% và các cơ quan chức năng vẫn còn lo ngại về sự sụt giảm của thị trường bất động sản.
Trong báo cáo về vĩ mô mới đưa ra, MSVN dự báo, lạm phát toàn phần sẽ tăng nhẹ lên +3,5% trong năm 2024 và +3,4% trong năm 2025 (so với +3,3% trong năm 2023). Dự kiến, lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu 4%.
Giá cả sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu dùng gia tăng, nhưng sẽ được kiểm soát nhờ việc giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) và các biện pháp giảm thuế, phí khác.
Tác động của việc tăng giá điện gần đây dự kiến sẽ ở mức khiêm tốn, với mỗi 10% giá điện tăng chỉ làm tăng giá tiêu dùng thêm 0,33%.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá bán lẻ điện trung bình thêm +4,5% vào ngày 9/11, sau đợt tăng +3% vào ngày 4/5/2023.
MSVN kỳ vọng lạm phát vận tải (chiếm 9,7% rổ hàng hoá CPI) sẽ được kiểm soát do giá dầu ổn định (dự báo của Maybank là 85 USD/thùng trong năm 2023; 80 USD/ thùng trong năm 2024).
Tuy nhiên, đóng góp của vận tải đối với lạm phát toàn phần có thể sẽ tăng trong năm 2024, so với mức đóng góp giảm phần lớn trong năm 2023.
Mặc dù vận tải giảm phát từ tháng 2-8/2023 kéo lùi chỉ số CPI, nhưng từ tháng 9-11/2023 đã chuyển sang tăng do giá dầu tăng và mức cơ sở so sánh suy giảm.
Lạm phát thực phẩm (chiếm 33,6% rổ hàng hoá CPI) được kỳ vọng sẽ được kiểm soát nhờ điều kiện cung thuận lợi, ngay cả khi nhu cầu cao hơn hỗ trợ giá cả.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo nguồn cung lương thực toàn cầu sẽ cải thiện trong năm 2024, do sản lượng lúa mì, ngô và gạo đạt mức cao kỷ lục.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng thịt lợn của Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại +5% và đạt 3,7 triệu tấn.
Tuy nhiên, không thể loại trừ rủi ro hiện tượng El Nino có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực toàn cầu, khiến giá cả tăng cao hơn dự kiến trong năm 2024.
Chính sách tài khóa vẫn duy trì sự hỗ trợ, với chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mạnh mẽ với một số biện pháp hỗ trợ được kéo dài đến năm 2024. Các dự án đang được triển khai bao gồm một số phân đoạn của Cao tốc Bắc - Nam trị giá 6 tỷ USD và sân bay Long Thành trị giá 16 tỷ USD.
Chính phủ dự kiến mức thâm hụt ngân sách 399 nghìn tỷ đồng (16,4 tỷ USD) trong năm 2024, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Dư địa tài khoá sẽ duy trì ở mức hợp lý, với nợ công dự kiến đạt khoảng 40% GDP trong cuối năm 2024, thấp hơn đáng kể so với mức trần là 60%. Việc giảm 2 điểm phần trăm thuế giá trị gia tăng (từ tháng 6/2023) đã được gia hạn đến tháng 6/2024.
Việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu sẽ được duy trì cho đến cuối năm 2024. Các giảm thuế và phí khác vẫn được áp dụng, bao gồm giảm thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
“Chúng tôi kỳ vọng NHNN vẫn sẽ duy trì lãi suất chính sách trong năm 2024. Lãi suất chính sách đã giảm hơn 150bps trong năm 2023 và có thể sẽ không giảm thêm nữa do nền kinh tế đang phục hồi.
Áp lực tỷ giá cũng đã hạn chế NHNN thực hiện cắt giảm lãi suất sâu hơn nữa, trong khi bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng Fed sẽ không hạ lãi suất cho đến quý 3/2024”, báo cáo MSVN nêu.
Theo đó, MSVN nhận định, NHNN có thể không cần tăng lãi suất, do lạm phát dự kiến vẫn dưới mức mục tiêu 4% và các cơ quan chức năng vẫn còn lo ngại về sự sụt giảm của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, những rủi ro bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến và VNĐ giảm mạnh xuống mức của tháng 10 - 11/2022, điều này có thể xảy ra nếu Fed trở nên “diều hâu” hơn dự kiến.
MSVN cũng lưu ý rằng, việc quá phụ thuộc vào nới lỏng chính sách tiền tệ có thể “bộc lộ sự bất ổn về nợ xấu và an toàn của hệ thống trong vài năm tới”. Điều này cho thấy, NHNN có thể sẽ đưa lãi suất trở lại bình thường khi tình hình ổn định hơn.