Lạm phát tại Eurozone đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2013
Số liệu chính thức được công bố ngày 4/1 cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 12/2016 đã vọt lên 1,1% - mức cao nhất trong hơn ba năm qua, trong bối cảnh giá dầu tăng.
Theo Eurostat, Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), lần gần đây nhất tỷ lệ lạm phát của Eurozone chạm mức này là tháng 9/2013.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng 12/2016 gần gấp đôi con số 0,6% của tháng 11/2016 và vượt qua con số dự đoán 1% của các chuyên gia trong cuộc khảo sát của nhà cung cấp dịch vụ tài chính Factset.
Con số này là một tín hiệu vui đối với các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi ngân hàng này trong nhiều năm gần đây đã nỗ lực đưa lạm phát tiến gần đến mục tiêu khoảng 2%.
Chủ tịch ECB Mario Draghi cho rằng khu vực này sẽ đạt được mục tiêu lạm phát vào năm 2018 hoặc 2019.
Nhân tố chính tác động đến tỷ lệ lạm phát của Eurozone tháng 12/2016 là giá năng lượng tăng mạnh. Eurostat cho biết giá năng lượng đã tăng 2,5% trong tháng 12 vừa qua sau khi các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác.
Tuy nhiên, ECB vẫn còn nhiều lo ngại khi tỷ lệ lạm phát lõi của tháng 12/2016 (không tính giá dầu mỏ và thực phẩm) chỉ đạt 0,9%, so với mức 0,8% của tháng 11/2016.
Trong một thông tin có liên quan, kết quả khảo sát được công bố cùng ngày cho thấy Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp - phản ánh hoạt động kinh doanh của khu vực Eurozone - chạm mức 54,4 điểm trong tháng 12/2016, tăng so với mức 53,9 điểm của tháng 11/2016 và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5/2011.
Theo giới quan sát, con số này cho thấy nền kinh tế của khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng euro đang tăng trưởng ổn định.