Lạm phát thấp nhất trong 13 năm qua
(Tài chính) Thông tin trên được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014, diễn ra chiều tối 01/4.
Tăng trưởng GDP quý I/2014 ước đạt 4,9%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước (quý I/2013 đạt 4,76% và quý I/2012 đạt 4,75%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%; khu vực dịch vụ tăng 5,95%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,2%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 5,12% (cùng kỳ năm 2013 tăng 4,5%).
Đáng chú ý, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,44%; 3 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 0,8% thấp nhất trong vòng 13 năm qua.
Mặt bằng lãi suất đã giảm 1% trong đó lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 9% xuống còn 8%/năm. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng.
Kim ngạch xuất khẩu quý I/2014 đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 32,34 tỷ USD, tăng 12,4%%; xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 2,85 tỷ USD, tăng 5,6%; vốn ODA giải ngân tăng 5% so với cùng kỳ.
Tổng thu NSNN 3 tháng đầu năm ước đạt 24,9% dự toán; tổng chi NSNN đạt 23,1% dự toán.
Trong quý I/2014, cả nước có 18.400 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tăng 16,9% về số DN và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; hơn 4.600 DN hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, theo Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên, bên cạnh những kết quả tích cực trên, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao, khoảng 16.700 DN. Tăng tổng cầu còn chậm, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, DN tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn.
Tại phiên họp lần này, Chính phủ đã thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Theo đó, so với số liệu đã báo cáo với Quốc hội, có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn, trong đó GDP tăng 5,42% (số đã báo cáo 5,4%); tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 15,4% (số đã báo cáo 14,4%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 30,4% (số đã báo cáo 29,1%); CPI là 6,04% (số đã báo cáo khoảng 7%).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tích cực thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Cụ thể, thực hiện các giải pháp làm tăng tổng cầu đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, như vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, ODA... Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước; tiến độ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tiến độ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai hiệu quả các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại.
Mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; kích thích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý giá cả, thị trường; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, trốn thuế, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác.