Lạm phát trong khu vực đồng euro tăng cao kỷ lục

Theo Thanh Hà/laodong.vn

Giá năng lượng cao kỷ lục đã đẩy tỉ lệ lạm phát ở các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu lên 8,6% trong nửa đầu năm 2022 trong bối cảnh chiến sự Ukraina và các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa Nga và Tây Âu trở nên gay gắt.

Lạm phát khu vực đồng euro lên tới 86% trong nửa đầu năm 2022.
Lạm phát khu vực đồng euro lên tới 86% trong nửa đầu năm 2022.

Mức lạm phát chung của khu vực đồng tiền chung Châu Âu là mức cao kỷ lục mới nhất kể từ khi đồng euro được tạo ra năm 1999. 

Gần một nửa trong số 19 quốc gia trong khu vực đồng euro hiện ghi nhận lạm phát thường kỳ ở mức 2 con số, số liệu do Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh Châu Âu công bố ngày 1/7. 

Nhiều nước khu vực đồng euro phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch của Nga để sưởi ấm cũng như cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, lượng năng lượng, đặc biệt là khí đốt từ Nga sang Châu Âu đã giảm hơn một nửa kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina ngày 24/2 khiến giá cả lên mức kỷ lục và khiến các chính phủ Châu Âu phải nỗ lực chạy đua tìm nguồn thay thế.

New York Times nhận định, dữ liệu lạm phát mới sẽ củng cố kế hoạch của Ngân hàng Trung ương Châu Âu về việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ tại cuộc họp sắp tới cũng như tăng thêm lãi suất vào cuối năm trong bối cảnh lo ngại nguy cơ lạm phát cao liên tục trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế đang xấu đi.

Tình hình lạm phát ở mỗi thành viên khu vực đồng euro khác nhau. Lạm phát ở Đức và Hà Lan giảm nhẹ trong tháng 6, nhưng Tây Ban Nha lập kỷ lục, lần đầu tiên đạt hai 2 số kể từ năm 1985. Ba quốc gia vùng Baltic ở đông bắc Châu Âu - Latvia, Lithuania và Estonia - lạm phát cao là hiện trạng trong nhiều tháng. 

Dù mức lạm phát khác nhau, tất cả các quốc gia trong khối đều cảm nhận rõ tác động của tăng giá năng lượng, trong tháng 6 năm nay tăng lên 41,9%, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm cũng tăng tới 8,9% trong năm qua, mức tăng được xem là đáng kể. 

Các nhà kinh tế dự đoán, giá cao hơn có thể khiến người lao động yêu cầu mức lương cao hơn qua đó khiến lạm phát nhanh chóng hơn và gây thêm sức ép lên lãi suất.

Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 và sự khó đoán của diễn biến chiến sự khiến dự báo trở nên khó khăn hơn.  Ông Mateusz Urban, nhà kinh tế học tại Oxford Economics, nhận định, tháng 6 có thể là đỉnh điểm của lạm phát khu vực đồng euro, nhưng tốc độ tăng "sẽ chỉ chậm lại dần dần trong suốt năm 2022".

Trong khi đó, bà Kerstin Bernoth và ông Marcel Fratzscher thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức lưu ý: "Có rất nhiều sự không chắc chắn về tình hình kinh tế và lạm phát trong khu vực đồng euro sẽ diễn biến như thế nào trong những tháng tới".