Làm rõ đối tượng được hưởng chính sách ghi nợ khi nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất
Mới đây, cử tri một số địa phương kiến nghị cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng được hưởng chính sách ghi nợ khi nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất, tránh trường hợp một số đối tượng lợi dụng chính sách này để trục lợi, gây khó khăn cho hoạt động về quản lý đất đai của địa phương.
Mới đây, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang do Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019 với nội dung đề nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng được hưởng chính sách ghi nợ khi nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất (theo Luật Đất đai năm 2013), tránh trường hợp một số đối tượng lợi dụng chính sách này, gây khó khăn cho hoạt động về quản lý đất đai của địa phương.
Về vấn đề này, tại Công văn số 8696/BTC-QLCS của Bộ Tài chính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho biết, tại Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, Điều 12 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất quy định đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất hoặc được công nhận quyền sử dụng đất hoặc được giao đất tái định cư theo quy định mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp.
Theo quy định, người ghi nợ tiền sử dụng đất nếu thanh toán nợ trước hạn sẽ được hỗ trợ giảm 2%/năm (tổng cộng 5 năm lên tới 10%). Ngược lại, những người nộp ngay tiền sử dụng đất lại không được hưởng ưu đãi gì. Việc người “nợ” lại được lợi hơn nộp tiền ngay đã dẫn đến sự mất công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.
Thời gian thanh toán nợ trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Điều kiện để được ghi nợ tiền sử dụng đất là có khó khăn về tài chính và Đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất chính là cam kết của hộ gia đình, cá nhân về tình hình khó khăn về tài chính và hộ gia đình, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về cam kết này.
Qua quá trình thực hiện, theo phản ánh của một số địa phương cho thấy việc ghi nợ tiền sử dụng đất có một số bất cập, khiến từ một chủ trương đúng đắn, nhân văn để hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước khi áp dụng vào thực tế cuộc sống trở thành những vấn đề lợi dụng “lỗ hổng” chính sách để trục lợi.
Cụ thể, đối với các hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính nếu có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Theo quy định, thủ tục để được ghi nợ tiền sử dụng đất khá đơn giản, chỉ cần có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư nộp về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Trên cơ sở hồ sơ địa chính, cơ quan thuế sẽ xác định số tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định và lập hồ sơ theo dõi nợ tiền sử dụng đất.
Sau đó, căn cứ vào số tiền sử dụng đất do cơ quan thuế xác định, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, trong đó có ghi nợ số tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận.
Theo Bộ Tài chính, đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất chính là cam kết của hộ gia đình, cá nhân về tình hình khó khăn tài chính và hộ gia đình, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về cam kết này nên pháp luật không quy định tiêu chí để xác định khó khăn về tài chính và không quy định phải có xác nhận của chính quyền địa phương.
Vì các điều kiện để được hưởng chính sách nợ tiền sử dụng đất rất đơn giản, dễ dàng như trên nên đã dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách. Trong đó, nhiều hộ gia đình, cá nhân không khó khăn nhưng vẫn làm đơn xin được nợ tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, theo quy định, người ghi nợ tiền sử dụng đất nếu thanh toán nợ trước hạn sẽ được hỗ trợ giảm 2%/năm (tổng cộng 5 năm lên tới 10%). Ngược lại, những người nộp ngay tiền sử dụng đất lại không được hưởng ưu đãi gì. Việc người “nợ” lại được lợi hơn nộp tiền ngay đã dẫn đến sự mất công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.
Vì vậy, đã có những trường hợp người nộp tiền ghi nợ ít ngày, sau đó mới nộp tiền và được hưởng trọn 10% số tiền hỗ trợ. Với số tiền phải nộp lên tới hàng tỷ đồng thì những người này đã được lợi không nhỏ. Cơ quan chức năng dù biết người xin nợ để “trục lợi” chính sách nhưng không thể cấm được vì luật cho phép.
Trước tình hình đó, ngày 29/8/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, cơ quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ bổ sung, sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ và hiện Văn phòng Chính phủ đang trình Chính phủ ký ban hành.