Làm rõ nguyên nhân chi chuyển nguồn ngân sách địa phương qua kiểm toán


Hiện nay, Quốc hội rất quan tâm vấn đề làm thế nào để hạn chế bớt các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần phân tích rõ nguyên nhân làm tăng khoản chi chuyển nguồn, đặc biệt là việc chuyển nguồn đối với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi…

Những lưu ý đối với kiểm toán viên

Theo quy định, số chi NSNN phải là số NSNN thực tế đã xuất ra khỏi quỹ NSNN, đã sử dụng, có đầy đủ hồ sơ, chứng từ và nhiệm vụ chi đã hoàn thành, chứ không phải số chưa thực sự xuất quỹ ra khỏi Kho bạc Nhà nước như số chi chuyển nguồn.

Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, KTNN khu vực VIII đúc kết: Khi kiểm toán chi chuyển nguồn, kiểm toán viên cần xác định tỷ trọng (%) số chi chuyển nguồn năm so với tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP) để đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ chi, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả...; rà soát các khoản chi chuyển nguồn đảm bảo phù hợp với Điều 43 Nghị định số 163/2014/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá số kinh phí chi chuyển nguồn qua nhiều năm, trong đó làm rõ nội dung, nguyên nhân tình trạng chuyển nguồn qua nhiều năm; kiểm tra, đối chiếu các khoản chuyển nguồn tạm ứng ngân sách cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh hoặc huyện nhưng đã quá thời hạn chưa được tỉnh bố trí vốn để thu hồi tạm ứng theo quy định; kiểm tra biểu tổng hợp B5-03/BC-NS ngân sách thường xuyên (tỉnh) theo hình thức rút dự toán, niên độ kiểm toán đối chiếu với quyết định hoặc công văn chuyển nguồn cấp tỉnh để xác định sự khớp đúng về số liệu chuyển nguồn của từng đơn vị.

Ngoài ra, kết hợp phân tích kết dư NSĐP của Sở Tài chính để xác định khoản còn nhiệm vụ chi nhưng không thực hiện chi chuyển nguồn (xác định rõ nội dung, số tiền của từng khoản chi để có kiến nghị phù hợp); kiểm tra phương án sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi của địa phương đã được Thường trực HĐND thống nhất, phương án sử dụng có đảm bảo các nhiệm vụ theo đúng quy định tại Điều 59 Luật NSNN...

Một số phát hiện qua kiểm toán

Qua kiểm toán chi chuyển nguồn NSĐP các năm, KTNN khu vực VIII phát hiện: Lập phương án sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi trình Thường trực HĐND các cấp thông qua để chi chuyển nguồn sang năm sau nhưng các nội dung chi không đúng các nhiệm vụ chi theo khoản 2 Điều 59 Luật NSNN (không ưu tiên các nhiệm vụ chi theo quy định; sử dụng chi thường xuyên; bố trí các nhiệm vụ chi chung chung, không cụ thể…). Chi chuyển nguồn không đúng quy định nhằm làm giảm kết dư ngân sách, tránh việc trích lập Quỹ Dự trữ tài chính và 70% nguồn cải cách tiền lương theo quy định - hiện tượng khá phổ biến ở các địa phương hiện nay.

Chi chuyển nguồn chi đầu tư phát triển thực hiện chuyển sang năm sau theo quy định của Luật Đầu tư công nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện. Chuyển nguồn các dự án bị ảnh hưởng tiến độ do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Tuy nhiên, thực chất kiểm tra chi tiết hồ sơ không phản ánh được các lý do và nguyên nhân theo quy định.

Qua kiểm toán, KTNN khu vực VIII phát hiện chi chuyển nguồn không đúng quy định nhằm làm giảm kết dư ngân sách, tránh việc trích lập Quỹ Dự trữ tài chính và 70% nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Ảnh: ST
Qua kiểm toán, KTNN khu vực VIII phát hiện chi chuyển nguồn không đúng quy định nhằm làm giảm kết dư ngân sách, tránh việc trích lập Quỹ Dự trữ tài chính và 70% nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Ảnh: ST

Cùng với đó, chi chuyển nguồn không đủ thủ tục, không đúng thời hạn; chậm trễ, làm kéo dài thời gian điều chỉnh quyết toán không đúng luật; hồ sơ chi chuyển nguồn không đầy đủ. Chi chuyển nguồn đối với những khoản đã hết nhiệm vụ chi; các nguồn ngân sách cấp trên đã quá hạn theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công nhằm giữ lại không nộp trả ngân sách cấp trên, đồng thời làm tăng chi ngân sách và để có cơ sở lập dự toán chi năm sau cao hơn năm trước.

Mặt khác, không chi chuyển nguồn đối với khoản còn nhiệm vụ chi (nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng, tăng thu phải tạo nguồn cải cách tiền lương). Chuyển nguồn tăng thu nhưng UBND không có Tờ trình xin ý kiến của Thường trực HĐND thống nhất. Phân bổ kinh phí chuyển nguồn năm sau không đúng nhiệm vụ.

Một số nguồn kinh phí do cơ quan tài chính quản lý chưa phân bổ, cơ quan tài chính có văn bản đề nghị Kho bạc Nhà nước vẫn thực hiện chi chuyển nguồn. Chi chuyển nguồn ảo, quá số tiền thực còn tồn tại thời điểm quyết toán (do hụt thu không điều chỉnh dự toán, cắt giảm dự toán chi). Chi chuyển nguồn đối với các khoản tạm ứng, ứng trước quá hạn thu hồi, kéo dài nhiều năm sai luật nhưng không thu hồi được.

Vướng mắc trong chi chuyển nguồn hiện nay

KTNN khu vực VIII cho biết, các địa phương được phép chuyển nguồn các khoản tăng thu, tiết kiệm chi được sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật NSNN được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng vào năm sau. Tuy nhiên trong thực tế, việc hiểu như thế nào là “tiết kiệm chi” cũng đang có nhiều quan điểm khác nhau.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật NSNN, tiết kiệm chi thì “số tiết kiệm chi ngân sách so với dự toán”. Vấn đề thực tiễn đặt ra, các khoản thu chuyển nguồn không sử dụng hết (không có dự toán đầu năm); các khoản được giao dự toán đầu năm nhưng không triển khai được hoặc triển khai không hết nhiệm vụ… có được xem là tiết kiệm chi để lập phương án sử dụng trình cấp thẩm quyền và chuyển nguồn năm sau?

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Đầu tư công, chi chuyển nguồn chi đầu tư phát triển thực hiện chuyển sang năm sau là để tăng tính chủ động cho HĐND địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến NSĐP, cụ thể có thể phân cấp ủy quyền cho HĐND cấp dưới.

Đơn cử, hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư công, thẩm quyền cho phép chuyển nguồn vốn đầu tư công NSĐP là HĐND tỉnh. Như vậy, HĐND tỉnh sẽ phải quyết định việc chuyển nguồn vốn đầu tư công cả ngân sách cấp huyện, xã. Trong khi đó, Luật NSNN quy định dự toán cấp nào do cấp đó quyết định. Do đó, việc HĐND tỉnh không quyết định kế hoạch đầu tư công nhưng lại quyết định việc chuyển nguồn đầu tư công ngân sách huyện, xã dẫn đến làm giảm tính chủ động trong điều hành ngân sách địa phương.

Hơn nữa, việc tổng hợp nhu cầu chuyển nguồn đầu tư công toàn tỉnh (bao gồm cả đầu tư công ngân sách huyện, xã) và đợi kỳ họp HĐND tỉnh để quyết định sẽ dẫn đến kéo dài thời gian, không kịp thời giải ngân vốn đầu tư công của các dự án chuyển nguồn. Do vậy, cần quy định thẩm quyền cho phép chuyển nguồn vốn đầu tư công cho HĐND các cấp.

Ngoài ra, hiện nay, tại một số địa phương, HĐND tỉnh không cho ý kiến bằng văn bản đối với các nguồn vốn của cấp dưới (bao gồm cả công trình lồng ghép nhiều nguồn vốn) nên các địa phương đang vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo Báo Kiểm toán