Hỗ trợ nước nghèo giảm gánh nặng nợ nần


Liên hợp quốc đã kêu gọi tiến hành cuộc cải tổ sâu rộng đối với hệ thống tài chính toàn cầu để giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới cũng như hỗ trợ nỗ lực đấu tranh của những nước này nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính “khổng lồ” hiện nay. Hàng loạt cuộc khủng hoảng do dịch bệnh, xung đột đã khiến các nước nghèo bị suy giảm kinh tế trầm trọng nên việc tăng nguồn hỗ trợ tài chính cho các nước chậm phát triển cũng như cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp là rất cần thiết hiện nay để giúp những nước này giảm bớt gánh nặng nợ nần.

Ảnh minh họa: Người dân tập trung nhận lương thực cứu trợ tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt ở tỉnh Sindh, Pakistan.
Ảnh minh họa: Người dân tập trung nhận lương thực cứu trợ tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt ở tỉnh Sindh, Pakistan.

Oằn mình gánh nợ

Các cuộc khủng hoảng, từ đại dịch COVID-19, tới lạm phát tăng, và tình trạng sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tác động đặc biệt nặng nề tới các quốc gia nghèo hơn trên thế giới. Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại, Đầu tư và Phát triển (UNCTAD), 46 quốc gia chậm phát triển (LDC) đã trải qua tình trạng suy giảm kinh tế nặng nề trong những năm đầu của đại dịch COVID-19, khiến tăng trưởng bình quân đầu người của tất cả các nước này cộng lại thấp hơn 16% so với mục tiêu đề ra trong năm nay.

Do hậu quả của suy thoái kinh tế, thêm 15 triệu người đã bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực. Đồng thời, các nước chậm phát triển phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng khi phải chi tới 27 tỷ USD trong năm 2021 để trang trải nợ, tăng 37% so với năm 2020. Số tiền mà các quốc gia này dùng để trả nợ cao gần gấp đôi so với ngân sách chi cho việc chăm sóc y tế. Các quốc gia chậm phát triển được cảnh báo đang lâm vào tình thế nguy hiểm và đứng bên bờ vực nợ nần chồng chất.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva lưu ý rằng, nền kinh tế toàn cầu đang chững lại trong bối cảnh hơn 50% số quốc gia có thu nhập thấp vẫn ở trong hoặc có nguy cơ cao về nợ nần. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga nhấn mạnh, thế giới đang phải đối diện “một cơn bão hoàn hảo, khi những thách thức đan xen và sự phức tạp về địa chính trị đang cùng nhau làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng”. Thế giới chứng kiến những bước tiến ngày càng chậm chạp hơn trong cuộc chiến chống đói nghèo và phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu hiện hữu, tình trạng mất an ninh lương thực, sự phục hồi mong manh sau đại dịch, tác động của xung đột vượt ra ngoài các đường biên giới.

Trước những thách thức nêu trên, UNCTAD cảnh báo khó có khả năng các nước chậm phát triển đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Thời gian không còn nhiều trong khi các nước chậm phát triển hiện còn thiếu tới 100 tỷ USD mới đủ nguồn tài chính để thực hiện các bước chuyển đổi nhằm đạt được các SDG. Một mặt các quốc gia này cần nỗ lực hơn nữa để huy động nguồn lực trong nước, mặt khác họ cần lượng lớn nguồn lực từ nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống tài chính quốc tế hiện nay chưa có đủ khả năng để thực hiện việc trợ giúp này. Sự chênh lệch trong cơ cấu tài chính quốc tế, những cam kết đóng góp tài chính vì khí hậu chưa được thực hiện và tiếng nói của các nước kém phát triển thường bị xem nhẹ khi đưa ra các quyết sách tài chính. Trong khi đó, các quy trình ra quyết định chủ đạo liên quan các thể chế, quy tắc và thủ tục vốn chi phối (việc phân bổ) tài chính quốc tế nhìn chung không tính đến đầy đủ lợi ích của các nước chậm phát triển do các quốc gia này có tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị hạn chế.

Tăng cường thu hút nguồn lực tài chính

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các nước chậm phát triển và các nước khác nhằm cải cách cơ cấu tài chính quốc tế cũng như cách thức các tổ chức như WB và IMF cung cấp hỗ trợ các nước nghèo nhất. Báo cáo của UNCTAD kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng nguồn hỗ trợ tài chính cho các nước chậm phát triển cũng như cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho những nước này.

Quỹ Tín thác tăng trưởng và giảm nghèo (PRGT) là phương tiện chính của IMF để cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hoặc bằng 0 cho các nước có thu nhập thấp nhằm hỗ trợ các chương trình kinh tế và giúp tận dụng nguồn tài chính bổ sung từ các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển và khu vực tư nhân.

Kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, IMF đã hỗ trợ hơn 50 nước có thu nhập thấp, với các khoản vay không lãi suất với tổng trị giá 29 tỷ USD, giúp giảm bất ổn ở nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới, như Haiti, CHDC Congo và Nepal. Nhu cầu vay theo chương trình PRGT sẽ có thể lên tới 40 tỷ USD vào năm 2024, tăng gấp 4 lần mức trung bình trong lịch sử. Ngoài ra, UNCTAD nhấn mạnh việc sắp triển khai Quỹ tổn thất và thiệt hại nhằm bồi thường cho các quốc gia nghèo nhất khi họ ứng phó hậu quả của biến đổi khí hậu cũng có thể phát huy hiệu quả và mang lại lợi ích cho các nước chậm phát triển.

IMF và WB hối thúc các quốc gia thành viên tăng cường năng lực nhằm hỗ trợ các nước nghèo hơn chống lại đói nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu. Để tăng cường nguồn lực lâu dài của IMF nhằm bảo vệ sự ổn định tài chính toàn cầu và đáp ứng nhu cầu của các nước thành viên trong một thế giới đầy biến động hiện nay, Ban Điều hành của IMF đã tán thành việc tăng 50% hạn ngạch đóng góp của các nước thành viên. Hạn ngạch dựa trên quy mô nền kinh tế của nước thành viên sẽ xác định số tiền nước đó cung cấp cho IMF, quyền biểu quyết và số tiền tối đa được vay.

Hiện tổng nguồn lực của IMF chuyển thành khả năng cho vay đạt gần 1.000 tỷ USD. Đề xuất mới cũng đề nghị Ban Điều hành đưa ra các phương án hướng dẫn tái cơ cấu hạn ngạch đóng góp trước tháng 6/2025. Trong khi đó, với nỗ lực đổi mới thông qua những thay đổi trong bảng cân đối tài chính và đóng góp của các thành viên, WB cho biết có thể gia tăng năng lực cho vay thêm hơn 150 tỷ USD trong thập kỷ tới. Lãnh đạo WB kêu gọi các thành viên tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội Phát triển Quốc tế của WB - một tổ chức cung cấp các khoản vay lãi suất bằng 0 và lãi suất thấp cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Theo Chủ tịch WB: “Chúng ta đang vượt quá giới hạn của nguồn tài nguyên ưu đãi rất quan trọng này và không có kỹ thuật tài chính sáng tạo nào có thể bù đắp được thực tế là chúng ta chỉ cần thêm kinh phí. Điều này thúc đẩy mỗi chúng ta thực hiện đợt bổ sung vốn vay ưu đãi (IDA) tiếp theo với quy mô lớn nhất mọi thời đại”.

Theo nhandan.vn