Làm sao để hàng Việt Nam cạnh tranh được với hàng Trung Quốc?
(Tài chính) Trong bối cảnh Việt Nam chịu nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc với đủ chủng loại hàng hóa, các doanh nghiệp (DN) của chúng ta dường như luôn bị ám ảnh bởi hai chữ “cạnh tranh”. Nhưng cạnh tranh như thế nào với hàng hóa Trung Quốc hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng; thậm chí, như cách nói của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, điều đó đang trở thành một vấn đề hệ trọng của cả dân tộc.
Tạp chí Kinh tế viễn đông đã có một chuyên khảo về kinh tế và sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là một kiểu “chủ nghĩa tư bản rừng rú”, với nghĩa là cạnh tranh mang tính hủy diệt, không chỉ đối với Việt Nam mà cả với những tập đoàn lớn của Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
TS. Lê Đăng Doanh phân tích: Hiện nay, hàng hóa Trung Quốc có ba thế mạnh: Một là, thị trường rộng lớn nên giá rất rẻ. Hai là, Chính phủ Trung Quốc thực hiện biện pháp ưu đãi đối với các DN xuất khẩu. Ba là, các DN Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với khối DN Hoa kiều ở nước ngoài nên họ có thể thay đổi rất nhanh về mẫu mã để đáp ứng thị hiếu.
Vậy, trước sức mạnh tự thân cùng rất nhiều hậu thuẫn đắc lực của hàng hóa Trung Quốc, DN Việt Nam cần phải lựa chọn lối đi nào?
Cần phải học hỏi DN Trung Quốc trước khi cạnh tranh…
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Phát triển kinh tế sáng tạo, cạnh tranh sáng tạo là một đường hướng quan trọng để Việt Nam có thể vươn lên cạnh tranh với Trung Quốc. Khi đứng cạnh một nước lớn, Việt Nam vừa có nhiều cơ hội về thị trường, về khả năng học hỏi, về kết nối với hệ thống thương mại của họ để cùng đi lên, nhưng đồng thời sẽ gặp vô số thách thức.
Thực tế trên thế giới cũng đã có nhiều nước học được cách sống bên cạnh “người khổng lồ”, chẳng hạn như Canada bên cạnh Hoa Kỳ, Phần Lan bên cạnh Liên Xô cũ… Đó là những điển hình cho các nước nhỏ dù ở bên cạnh nước lớn vẫn tìm ra được con đường phát triển mà không phải lúc nào cũng xung đột lợi ích. Họ luôn tìm được cách để chống chọi với sức ép cạnh tranh và không làm cho hình ảnh của mình bị lu mờ.
Đối với Việt Nam, khi đứng bên cạnh Trung Quốc, dường như chúng ta bị ám ảnh quá nhiều nên lúc nào cũng đòi hỏi phải cạnh tranh, luôn muốn cạnh tranh mà quên đi ý thức học hỏi. Thực tế, học được đối thủ cạnh tranh là điều hết sức quan trọng. Việt Nam có thể đi như thế nào để thành công, nên sao chép nguyên xi hay phải làm khác?... Tất cả những điều đó đều cần phải học, học hỏi đối thủ trước khi soi xét điểm yếu, chê bai mới có thể vượt lên được.
Từ chỗ học hỏi, DN Việt Nam cũng phải biết cách khai thác những thuận lợi từ thị trường Trung Quốc. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thực hiện tốt điều này. Trong những cơ hội từ Hiệp định Tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc mang lại, có thể thấy Thái Lan đã biết tận dụng tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam. Cũng những mặt hàng nông sản nhiệt đới hay là thủy sản nhưng Thái Lan đã rất thành công trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Về điểm này, Việt Nam cũng cần phải học hỏi Thái Lan.
Học từ đổi mới công nghệ đến tầm nhìn về thị trường
Liên quan đến cơ hội học hỏi từ các DN Trung Quốc, TS. Lê Xuân Nghĩa đã đưa ra một vài câu chuyện ông được chứng kiến. Mấy năm trước, có DN Việt Nam muốn sản xuất một mẫu nồi đa năng, vị lãnh đạo DN này đã đặt các kỹ sư của Đại học Bách khoa thiết kế. Mất hai năm, các kỹ sư thiết kế được một mẫu nồi có trị giá 2,1 triệu đồng. Với giá thành này, mẫu nồi đó đã không thể bán được. Theo lời khuyên, vị doanh nhân đã đưa yêu cầu này sang Trung Quốc. Chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, các kỹ sư Trung Quốc đưa ra 6 phiên bản thiết kế cùng hai phương án: Một là, lấy thiết kế về sản xuất; hai là lấy phụ kiện về lắp ráp. Vị doanh nhân chọn phương án thứ nhất và chiếc nồi được sản xuất chỉ với giá thành 210 nghìn đồng, bán ra thị trường với giá 450 nghìn đồng, lãi gấp đôi.
Một DN Việt Nam khác muốn sản xuất loại lưới thép rất nhỏ nhưng để cán thép từ phi 6 thành những sợi thép bằng que tăm thì DN đó mất rất nhiều công sức vì phải cán đi cán lại một cách thủ công. Sau khi tìm sang Trung Quốc, bên bạn chỉ cần đặt 12 máy có đầu ra từ lớn đến bé để cán một lần từ thép phi 6 ra luôn thép sợ nhỏ như mong muốn…Tất cả những điều này cho thấy DN Việt Nam đang có những khiếm khuyết lớn trong vấn đề đổi mới công nghệ cũng như yếu kém về tư duy kỹ thuật và rất thiếu thực tiễn.
Bên cạnh vấn đề công nghệ, DN Việt Nam cũng cần học hỏi ở DN Trung Quốc về sự nhanh nhạy và tầm nhìn đối với thị trường. TS. Trần Đình Thiên cho biết, tại World Cup bóng đá Nam Phi năm 2010, chúng ta thấy hàng triệu chiếc kèn Vuvuzale, một nhạc cụ dân tộc Nam Phi được thổi khắp nơi trong sân vận động cũng như ngoài đường phố. Tuy nhiên, điều bất ngờ là những chiếc kèn đó không phải do nước sở tại sản xuất mà là do một DN Trung Quốc cung cấp. Cách đó hơn 10 năm, khi Nam Phi giành được quyền đăng cai giải, DN Trung Quốc đã sang tìm hiểu nghiên cứu văn hóa và đàm phán ký hợp đồng để triển khai sản xuất ra hàng triệu chiếc kèn cổ vũ như một nét đặc trưng văn hóa. Họ nghiên cứu kỹ và đánh luôn vào văn hóa truyền thống của Nam Phi.
Hiện nay, đa số các trang phục, đồ cúng tế của đạo Hồi như đèn nến, ngày ăn kiêng đều do các DN Trung Quốc sản xuất. Điều này cũng có thể dễ dàng bắt gặp ngay tại Việt Nam khi rất nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa Việt, từ hàng lưu niệm đến tiêu dùng đều có xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí cả những cây đàn bầu thuần Việt hay đàn tơ rưng, đàn đá của người Tây Nguyên cũng mang dòng chữ “Made in China”…DN Trung Quốc rất tự tin để giành chiến thắng bằng giá cả và bằng sự nghiên cứu rất kỹ về thị trường.
Cạnh tranh không phải bằng cách giảm giá
Theo TS. Lê Đăng Doanh, DN Việt Nam phải vận dụng để cạnh tranh nhưng không phải cạnh tranh bằng giảm giá vì điều đó sẽ giết chết sự sáng tạo. Cạnh tranh bằng giảm giá là dẫn đến con đường bần cùng vì chỉ có thể giảm lương người lao động. DN Việt Nam cần phải cạnh tranh bằng cách làm khác đi, làm mới hơn, phải tìm những thị phần có thể cạnh tranh được vì thực tế không phải hàng Trung Quốc nào cũng dễ dàng vào Việt Nam, hoặc nếu vào cũng rất hạn chế, chẳng hạn như mặt hàng ô tô, xe máy…
Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan phân tích thêm: Nếu hàng Trung Quốc hiện nay cạnh tranh bằng giá rẻ và đại chúng thì hàng Việt Nam có thể cạnh tranh bằng chất lượng tốt hơn, phù hợp hơn với người Việt Nam. Nhìn vào sự cạnh tranh của hàng dệt may giữa Việt Nam và Trung Quốc trên thị trường Hoa Kỳ, có thể thấy rõ, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm ưu thế tuyệt đối về giá rẻ thì Việt Nam chủ yếu đi bằng những mặt hàng cao cấp hơn. Khi Trung Quốc làm đã đại trà có quy mô lớn thì họ sẽ không tập trung vào cái tinh và không làm được những cái cụ thể, vậy thì Việt Nam có thể tìm đến những đối tượng cụ thể này. Phần Lan cạnh tranh với Liên Xô (cũ) trong những lĩnh vực khoa học cơ bản chủ yếu cũng là bằng công nghệ và chất lượng cao hơn hẳn. Các nước Bắc Âu luôn tự hào là giữ được nền kinh tế ổn định, chống chọi được với cạnh tranh, kể cả hàng Trung Quốc vì họ tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, từ đó vượt lên trong thế giới cạnh tranh bằng giá rẻ.
Việt Nam cần phải có một dự án phân tích những mặt hàng nào có thể cạnh tranh được. Chúng ta vừa cạnh tranh bằng mẫu mã, bằng hiệu quả nhưng cũng phải cạnh tranh bằng ý thức, bằng ý chí. Không phải tất cả hàng hóa Trung Quốc đều tốt, thậm chí nhiều mặt hàng còn bị phát hiện là độc hại, phá hoại sức khỏe của người tiêu dùng. Một số nước như Nhật Bản không nhập đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc vì họ yêu cầu rất ngặt nghèo về kiểm định chất lượng trong Luật bảo vệ sức khỏe trẻ em. Tất cả người dân Việt Nam cũng như truyền thông cần phải hiểu được điều đó và có ý thức “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Từ bỏ thói xấu trong cách nghĩ của người Việt…
Một chuyên gia Nhật Bản cho rằng: Việt Nam thường nói đến vấn đề thừa lao động nhưng thực ra lại rất thiếu nhân lực, đó là thiếu những lao động có chất lượng cao.
Một giáo sư khác đến từ trường Đại học Harvard cũng đưa ra đánh giá: Về tài nguyên, Việt Nam cái gì cũng có nhưng không nhiều, không lớn; lao động trẻ và năng động nhưng lại nổi tiếng là vô kỷ luật. Việt Nam chỉ còn một lợi thế thứ ba là địa chính trị, địa kinh tế. Ý của vị giáo sư muốn nói đến việc Việt Nam gần Trung Quốc, nếu Việt Nam ở giữa Thái Bình dương thì vị trí cũng trở nên bình thường và các cường quốc sẽ không quan tâm nhiều như hiện nay. Bởi vậy, muốn kinh doanh, việc đầu tiên là Việt Nam phải loại bỏ tất cả những tư duy có tính định kiến, đặc biệt là trong vấn đề chất lượng lao động.
Thói xấu của người Việt Nam ngoài việc vô kỷ luật còn là thói nhậu nhẹt, bê tha, quán bia đông nghịt người trong khi thư viện lại vắng teo vắng ngắt. Rất nhiều người Việt Nam luôn hãnh tiến, luôn nghĩ rằng công việc hiện tại không xứng tầm với trí tuệ của mình, luôn không thỏa mãn với những gì mình có.
Cũng là câu chuyện từ TS. Trần Đình Thiên: Trong lần chia sẻ kinh nghiệm gần đây, một doanh nhân Trung Quốc có bảo: Tôi không hiểu các bạn Việt Nam đang định làm gì vì khi hỏi đến thì các bạn đều than phiền là làm không đúng tầm. Bản thân người Trung Quốc chỉ có một khẩu hiệu cơ bản, đó là: “Không có sản phẩm nhỏ mà chỉ có thị trường lớn”. Ví dụ, một làng ở Trung Quốc chỉ chuyên làm đầu bút bi. Chỉ mấy năm, họ thống trị luôn thị trường rộng lớn trong lĩnh vực này và trở thành “nhà vô địch ẩn danh”. Một làng khác ở Hàng Châu chuyên làm khuy áo, cà vạt, và có đến hơn 80% thị trường khuy áo, cà vạt trên thế giới được nhập khẩu từ ngôi làng đó. Với những người Trung Quốc này, không có gì là sản phẩm nhỏ, thị trường lớn đủ cho họ trở thành vĩ đại.
Bởi thế, vấn đề lớn của DN Việt Nam là phải tư duy để suy nghĩ và phải nghĩ ra sự khác biệt, đó là tự trọng của con người. Hãy làm điều đó trước khi bàn đến câu chuyện thắng thua trong cạnh tranh!
Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 3 - 2014