Làm sao để kích cầu, giảm và giãn thuế hiệu quả?

P.V

Kích cầu ra sao, với đối tượng nào để gói kích cầu 1 tỷ USD của Chính phủ có hiệu quả đang trở thành mối quan tâm của dư luận và các nhà khoa học. Đây cũng là nội dung của cuộc hội thảo khoa học có tên "Giải pháp thực hiện chủ trương của Chính phủ về kích cầu và miễn giảm thuế" do Viện Khoa học Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 15/1/2009.

Nhằm đối phó với suy giảm kinh tế, mới đây Chính phủ vừa thông qua gói kích cầu trị giá 1 tỷ USD và miễn thuế, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp (DN). Đây là việc rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, vấn đề đáng quan tâm là giảm, giãn thuế và kích cầu vào đâu, đối tượng nào, kích cầu bao nhiêu thì đủ?

Đây là những câu hỏi khó không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với nước ta, trả lời được những câu hỏi này càng trở nên cấp thiết khi mà nội lực kinh tế yếu kém trong khi vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề lạm phát. Nếu thực hiện sai không những không mang lại hiệu quả mà ngược lại còn có thể gây tái bùng phát lạm phát và hậu quả lúc đó sẽ rất khôn lường.

Theo TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, nếu việc kích cầu giành tỷ trọng lớn cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn như một số kiến nghị gần đây sẽ phá vỡ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hơn nữa với cơ cấu nông thôn bất hợp lí hiện nay có thể sẽ không mang lại hiệu qủa cao. Đồng tình với quan điểm này, PGS., TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng cần xác định kích cầu vào đâu, bởi kích cầu vào nông nghiệp thì hiệu quả khó có độ lan toả.

Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh, việc kích cầu xuất khẩu cũng không hề đơn giản khi mà năm 2009 bối cảnh thế giới không thuận lợi và việc này nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Hơn nữa, hiện nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu như gạo, cá ba sa... song các nước nhập khẩu không hẳn "mặn mà" các mặt hàng này. Không đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Khoa học Tài chính lại cho rằng, nên kích cầu xuất khẩu. Kinh nghiệm của Mỹ, Trung Quốc đó là cấp tín dụng cho đối tác nhập khẩu. Vấn đề là liệu Việt Nam có dám bỏ ra vài tỷ USD để cấp tín dụng cho đối tác nước ngoài mua hàng Việt Nam hay không? Ngoài ra, nên mở rộng thị trường xuất khẩu mới bởi chúng ta từng thành công khi làm việc này trong năm trước.

TS. Đặng Văn Dung, Khoa Tài chính Công (Học viện Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nên lựa chọn giữa kích cầu bằng cách bổ sung thêm thu nhập với các biện pháp nhằm kéo giá xuống. Cụ thể, bổ sung thêm thu nhập cho người thụ hưởng thông qua việc chỉ giới hạn trong một số đối tượng được hưởng các chính sách bảo đảm xã hội để họ có thể trang trải được các nhu cầu thiết yếu trong khi kéo giá xuống bằng cách giảm các khoản thuế gián thu cho các cơ sở sản xuất kinh doanh đã bán được hàng hoá trong khoảng thời gian Nhà nước khuyến khích tiêu thụ. Giải pháp này chỉ áp dụng đối với hàng hoá được thực sự tiêu dùng. Do vậy, tiền hỗ trợ giảm trừ thuế gián thu phải chuyển cho người tiêu dùng được hưởng, chứ không chuyển cho người bán hàng. Ngoài ra, cũng theo TS Dung, Nhà nước nên chấp nhận bù lỗ cho các trung gian tài chính có tham gia cho vay tiêu dùng trong thời hạn Nhà nước quy định.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Bình Giang, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, đối với Việt Nam, đầu tư vào việc xây dựng mới cơ sở hạ tầng thì quá lâu vì còn phải có thời gian để giải trình, thẩm định về mặt thủ tục, kỹ thuật, tài chính... lúc đó thì nền kinh tế đã suy thoái hoặc theo hướng tiêu cực khác. Vì vậy, chúng ta có thể kích thích đầu tư ngay thông qua việc sửa sang đường sá.

Xung quanh chính sách kích cầu, TS.Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đối với việc bù cấp lãi suất trong bối cảnh hiện nay có thể sẽ rơi vào bẫy thanh khoản của nền kinh tế, bởi một khi kỳ vọng của giới đầu tư không tốt thì nếu có hạ lãi suất cũng không thu hút được người vay. Thậm chí, nếu càng giảm lãi suất, DN và người dân càng không vay vì họ có tư tưởng đợi chờ giảm thêm, có thể gây méo mó nền kinh tế. Chia sẻ quan điểm này, PGS., TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, không nên đưa việc trợ cấp lãi suất trong gói kích cầu 1 tỷ USD này bởi không phải tất cả các DN đều thiếu vốn, mà quan trọng là họ không biết đầu tư vào đâu để hiệu quả. Gói kích cầu này nên giải quyết các vấn đề trước mắt như việc làm, hàng hoá không tiêu thụ được, DN sản xuất kinh doanh trì trệ... Trong bối cảnh hiện nay, có thể sử dụng vào "một việc mà được nhiều đích" là xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Như vậy, vừa có thể giải quyết được vấn đề nhà ở (nhu cầu rất cao), giải phóng mặt bằng, thuế, vừa giải quyết được vật liệu, công ăn việc làm, tăng thu nhập...

Các chuyên gia đều đồng tình rằng, bài học trên thế giới cho thấy, một khi niềm tin của người dân và giới đầu tư bị tổn thương thì chính sách kích cầu khó phát huy hiệu quả. Theo ông Nguyễn Bình Giang, kích cầu phải đúng lúc nếu không có chi tiền người dân và DN thì họ cũng không tiêu. Người dân có thể vẫn giữ tiền hoặc trả các khoản nợ của họ trước đó, còn DN chỉ giải quyết đến những khó khăn nhất thời. Bài học của Úc, Đài Loan phát tiền cho người dân tiêu nhưng rốt cuộc cũng không thu được kết quả khả quan đã chứng minh điều này. Hiện nay, điều quan trọng nhất đối với gói kích cầu này là niềm tin, là sự lạc quan của người dân và DN vào triển vọng tươi sáng của nền kinh tế. TS.Nguyễn Đức Thành gợi ý, chúng ta có thể có động thái tăng lương để người dân có niềm tin vào tương lai, như thế họ sẽ tiêu dùng. Ngoài ra, chúng ta nên chấp nhận thâm hụt ngân sách giả tạo qua việc giảm thuế xuất khẩu và tăng chi tiêu...

Giảm thuế đối với các DN là điều cần thiết hiện nay và cũng rất nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Tuy nhiên, việc này cũng đang đặt ra nhiều băn khoăn. Dự đoán, với việc giãn, giảm, hoàn thuế này, ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu khoảng 10.000 tỷ đồng. Giảm thuế khiến thu ngân sách giảm, chúng ta không có đủ tiền để chi, kéo theo vấn đề an sinh xã hội, đầu tư tăng trưởng sẽ gặp khó. Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, việc giảm thuế hiện nay còn "nửa vời". Ngược lại, chúng ta nên mạnh dạn thu thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp ở một số đối tượng và chỉ nên giảm thuế cho các DN ở những địa phương khó khăn và trong thời gian dài.

PGS., TS Nguyễn Hồng Sơn, điều quan trọng hiện nay là nhanh chóng giải quyết "nút thắt" của nền kinh tế như hạ tầng, nguồn nhân lực... Ngoài ra, cần phải trả lời câu hỏi: Kích cầu để vượt qua giai đoạn khó khăn hay tạo nền tảng tăng trưởng trong dài hạn? Đồng thời, không thể không quan tâm đến hệ quả của gói kích cầu này trên các phương diện như: thâm hụt ngân sách sẽ như thế nào, làm sao xử lí được, xử lí trong bao lâu?

PGS. Đặng Văn Thanh cho rằng kích cầu là việc nên làm vì chúng ta đã không ít lần bỏ lỡ thời cơ. Chẳng hạn như năm 1997, nếu chúng ta mạnh dạn hành động thì hiệu quả cao hơn. Khủng hoảng hiện nay cũng chính là cơ hội chúng ta chịu đau để cơ cấu lại nền kinh tế để một khi khủng hoảng đi qua, nền kinh tế sẽ tăng tốc nhanh và bền vững hơn.