Thành tựu và hạn chế trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam từ sau đổi mới

TS Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê

Kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986, Việt Nam đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng khá cao, liên tục và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

Đóng góp vào những thành tựu này là nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp để tận dụng hiệu quả các nguồn lực quan trọng của xã hội. Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và đã mang lại những hiệu quả nhất định với những thành tựu, hạn chế sau:

Thành tựu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ năm 1986 đến nay

Thứ nhất, thành tựu quan trọng của chuyển dịch kinh tế thể hiện rõ nhất trong gần 40 năm qua là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì, ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô luôn được ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Bình quân mỗi năm trong gần 40 năm, GDP tăng 6,67%, được xếp vào hàng các nước có tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Thứ hai, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm dần, năm 1986 chiếm 36,76%; năm 2000 chiếm 22,72%; năm 2015 chiếm 14,47%; năm 2024 chiếm 11,86%. Tính chung sau gần 40 năm đổi mới, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm 24,9 điểm phần trăm và tốc độ giảm tương đối nhanh so với một số quốc gia trong khu vực. Cụ thể, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2000-2023, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP của Việt Nam giảm 0,55 điểm phần trăm; trong khi đó In-đô-nê-xi-a giảm 0,14 điểm phần trăm, Ma-lai-xi-a giảm 0,04 điểm phần trăm, Phi-li-pin giảm 0,2 điểm phần trăm, Thái Lan giảm 0,003 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tăng tỷ trọng các sản phẩm có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, các sản phẩm có giá trị xuất khẩu.

Tính chung sau gần 40 năm đổi mới, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm 24,9 điểm phần trăm và tốc độ giảm tương đối nhanh so với một số quốc gia trong khu vực.
Tính chung sau gần 40 năm đổi mới, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm 24,9 điểm phần trăm và tốc độ giảm tương đối nhanh so với một số quốc gia trong khu vực.

Thứ ba, khu vực công nghiệp và xây dựng đến năm 2024 chiếm 37,64%, sau gần 40 năm tăng 12,9 điểm phần trăm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 24,43% (tiêu chí để trở thành nước công nghiệp), tăng 5,46 điểm phần trăm; tỷ trọng ngành khai khoáng chiếm 2,5%, giảm 5,43 điểm phần trăm so với năm 2011. Các ngành khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy... đã có những bước phát triển nhất định, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn và góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Thứ tư, khu vực dịch vụ chiếm 42,36%, tăng 13,18 điểm phần trăm so với năm 1986 và chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế. Đây là kết quả tích cực được nhận diện dưới các góc độ khác nhau. Đó là việc gia tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ phù hợp với chủ trương mở cửa sâu rộng hơn theo cam kết hội nhập với các quốc gia trong khu vực ASEAN, cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và cũng là xu hướng tiến bộ chung của các nền kinh tế trên thế giới. Đối với Việt Nam, việc gia tăng này nhằm khắc phục thứ bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh còn thấp trong khu vực, ở châu Á và thế giới.

Thứ năm, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động nước ta theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Số lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng, trong khi số lao động trong ngành nông nghiệp ngày càng giảm. Đến năm 2024, lao động có việc làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ chiếm 73,5% tổng số lao động có việc làm, tăng 46,5 điểm phần trăm so với năm 1990; lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 giảm 36,9 điểm phần trăm so với năm 1990; năm 2024 giảm 2,6 điểm phần trăm so với năm 2021.

Thứ sáu, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng có lợi, đó là tăng tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao (từ 45,1% trong những năm 1996-2000 lên khoảng 85% trong giai đoạn 2016-2023, giảm tỷ trọng hàng thô và sơ chế; tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp sử dụng nhiều lao động như hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ…; giảm tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (từ 62,9% năm 1986 xuống còn 10,7% năm 2023).

Hạn chế của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ năm 1986 đến nay

Một là, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng thấp và có xu hướng giảm dần ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng có xu hướng tăng/giảm không đều và ổn định. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 1987-1990, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,68 điểm phần trăm; giai đoạn 1991-2000 tăng thấp 1,34 điểm phần trăm; giai đoạn 2001-2010 tăng 0,16 điểm phần trăm; giai đoạn 2011-2023 tăng 0,35 điểm phần trăm. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp do tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp có xu hướng chậm lại. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 1987-1990, ngành công nghiệp tăng 4,43%; giai đoạn 1991-2000 tăng 12,34%; giai đoạn 2001-2010 tăng 8,32%; giai đoạn 2011-2020 tăng 7,33%/năm; trong 4 năm 2021-2024 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga - U-crai-na nên chỉ tăng 5,95%. Đây là xu hướng không hợp lý đối với một quốc gia đang phát triển và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí để trở thành nước công nghiệp.

Hai là, tốc độ chuyển dịch tỷ trọng các khu vực kinh tế trong GDP còn khá chậm

Đánh giá mức độ chuyển dịch cơ cấu theo nhóm ngành kinh tế bằng phương pháp véc-tơ[1], cho thấy: Xét theo giai đoạn 10 năm, thời kỳ 1991-2000, là thời kỳ có mức độ chuyển dịch nhanh nhất (25,13%), góc giữa hai véc-tơ cơ cấu là lớn nhất (22,62 độ). Mức độ chuyển dịch thời kỳ 2001-2010 chậm hơn so với 2 thời kỳ còn lại (5,058% và 4,552 độ). Xét theo giai đoạn 5 năm, thời kỳ 1991-1995 có mức độ chuyển dịch cơ cấu theo khu vực kinh tế nhanh nhất (18,75%), sau đó tốc độ chuyển dịch liên tục giảm dần, chậm nhất là thời kỳ 2016-2010, chỉ đạt 3,32%. Sang giai đoạn 2021-2023, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột quân sự giữa Nga - U-crai-na, tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất thấp, chỉ đạt 1,18%.

Ba là, cơ cấu kinh tế của Việt Nam còn khá lạc hậu so với một số quốc gia trong khu vực. Với tốc độ chuyển dịch như trên, nếu xét theo tiêu chí tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP thì cơ cấu kinh tế của Việt Nam năm 2023 chỉ tương đương với cơ cấu kinh tế của Thái Lan năm 2011 (11,59%), Ma-lai-xi-a năm 1996 (11,68%), Trung Quốc năm 2005 (11,64%), Hàn Quốc năm 1984 (11,87%). Nếu so với cơ cấu ngành ở các nước có mức độ thu nhập trung bình cao trên thế giới, tương ứng với tỷ trọng các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ trong GDP năm 2023 là 7,07%, 35,2% và 54,59% thì Việt Nam còn phải mất một khoảng thời gian nữa để cơ cấu GDP (11,68%; 37,58% và 42,29%) bắt kịp với cơ cấu GDP của nước thu nhập trung bình cao.

Bốn là, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn ở mức thấp trong GDP, sau gần 40 năm chiếm 24,43% (năm 2024), chỉ tăng 5,46 điểm phần trăm so với năm 1986. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và thực hiện ở các doanh nghiệp FDI như: Điện thoại, linh kiện, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ... Cùng với đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của ngành chế biến, chế tạo năm 2023 chỉ đạt 21,5%, thuộc 5 ngành có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp nhất trong nền kinh tế quốc dân (tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2023 đạt 4,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 21,5%; ngành xây dựng đạt 16,6%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 18,5%; ngành hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình đạt 2,4%), do đây là ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông, mới chỉ thực hiện ở công đoạn gia công, lắp ráp là chủ yếu. Các ngành công nghiệp phụ trợ còn kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế.

Năm là, cơ cấu lao động có việc làm chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu ngành kinh tế cho thấy sự dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế chưa hiệu quả, chưa theo hướng hiện đại, sản xuất vẫn còn mang tính gia công và phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu và phụ thuộc vào khu vực nước ngoài, thể hiện ở Bảng 1.

Thành tựu và hạn chế trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam từ sau đổi mới - Ảnh 1

Lao động có việc làm chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ là do kết quả của quá trình công nghiệp hóa với sự phát triển của các ngành phi nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng các khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ chuyển dịch chậm và có xu hướng giảm là do các khu vực kinh tế này chưa phát triển kịp thời, năng lực kinh tế chưa tăng kịp để đón nhận lao động chuyển dịch từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển sang. Điều này làm cho năng suất lao động của khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ có xu hướng tăng chậm hoặc giảm.

Sáu là, cơ cấu các ngành dịch vụ chuyển dịch chậm và tỷ trọng không ổn định. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở nhóm nước phát triển, dịch vụ được đánh giá là khu vực trọng điểm cho sự phát triển kinh tế, thông thường dịch vụ đóng góp từ 70-80% GDP. Trường hợp của Trung Quốc cho thấy các dịch vụ tài chính nói chung, đặc biệt là thị trường chứng khoán, chăm sóc y tế, kinh doanh, giáo dục, vui chơi giải trí, văn hoá, khoa học và nghiên cứu đóng góp trên 50% GDP Trung Quốc. Ở nước ta, các ngành dịch vụ cao cấp, mang tính động lực và có hàm lượng tri thức cao thì chiếm tỷ trọng thấp trong GDP như: Thông tin và truyền thông (3,37%), hoạt động tài chính ngân hàng (4,83%), hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ (2,06%), giáo dục và đào tạo (3,91%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (2,65%)…

Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thời kỳ tăng trưởng thăng trầm, nhưng nhìn chung nhịp độ tăng trưởng dài hạn khá cao và ổn định, ngoại trừ một số năm đầu đổi mới và các năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tất cả các năm còn lại đều có tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm. Những thành tựu phát triển kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong chặng đường gần 40 đổi mới là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đi đúng hướng.

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, trong giai đoạn tới, nước ta cần chú trọng một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ, giảm mạnh tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Do đó phải ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đi nhanh vào hiện đại hóa ở những ngành, những lĩnh vực then chốt; đẩy mạnh phát triển những ngành công nghệ cao để phát triển thành những ngành mũi nhọn.

Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ngành dịch vụ. Các cấp các ngành chính sách ưu tiên cao để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ có nhiều lợi thế, có hàm lượng trị thức và công nghệ cao như: Du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế chất lượng cao; tiến tới hình thành những trung tâm dịch vụ, du lịch có đẳng cấp khu vực và thế giới.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tăng cường điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư cho phù hợp. Vốn đầu tư của Nhà nước cần được đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn như đầu tư vào các lĩnh vực công cộng hoặc lĩnh vực cần thiết cho nền kinh tế mà tư nhân không có khả năng thực hiện hoặc không muốn đầu tư, giảm đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực và tư nhân có thể đảm nhận được.

Thứ tư, đổi mới công nghệ. Công nghệ được xem là một trong những khâu còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế ở Việt Nam. Những hướng giải pháp cơ bản là: (1) Tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, (2) Hướng dẫn lựa chọn chuyển giao các công nghệ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam,

Thứ năm, gắn chiến lược phát triển nhân lực với phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung gắn kết việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; gắn quy hoạch phát triển nhân lực của mỗi Bộ, ngành, địa phương đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phan Công Nghĩa (2007), "Cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế", Nghiên cứu thống kê cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
  2. Đặng Kim Sơn (2021), "Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam", Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật.

______________________

[1]  Theo UNIDO, để lượng hóa mức độ chuyển dịch cơ cấu ngành giữa 2 thời điểm t0 và t1, sử dụng phương pháp véctơ để tính toán góc chuyển dịch cơ cấu ngành theo công thức sau: cosα = ∑Si(t0)*Si(t1)/√∑Si2(t0)*Si2(t1). Độ lớn của góc an pha trong khoảng 0-90 độ, α=90o chuyển dịch hoàn toàn, α = 0: không dịch chuyển, tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu ngành được tính bằng góc chuyển dịch chia cho 90 độ.