Lần đầu tiên tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và sừng tê giác
Chiều 12/11, tại Sóc Sơn, Hà nội, Liên bộ gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tiêu huỷ 2 tấn ngà voi và 70 kg sừng tê giác, cùng với một số mẫu vật từ loài hổ và gấu hoang đã bị tịch thu từ các vụ buôn bán bất hợp pháp.
Buổi tiêu huỷ diễn ra trước sự kiểm soát rất nghiêm ngặt với trên 150 cảnh sát tham gia bảo vệ hiện trường và rất đông cán bộ các bộ, ngành liên quan.
Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (cơ quan quản lý mẫu vật hiện nay) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Công an thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt việc bàn giao và tiêu hủy mẫu vật theo đúng quy định của pháp luật và nội dung Công ước Quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã”.
“Trước khi tiêu hủy, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã và cơ quan y tế Việt Nam đã tiến hành lấy các mẫu vật ngà voi và sừng tê giác để phân tích AND. Thông qua hoạt động phân tích, giải mã AND sẽ biết số ngà voi và sừng tê giác có xuất xứ từ khu vực nào…”, ông Lê Văn Thời nói.
Đối với ngà voi, các cơ quan chức năng đã nghiền nhỏ, sau đó đưa đến lò đốt chuyên xử lý chất thải công nghiệp và chất thải y tế để đốt cháy hoàn toàn trong điều kiện nhiệt độ 1.200 - 1.500 độ C. Mục đích là thiêu hủy hoàn toàn mẫu hiện vật thành dạng xỉ.
Đối với sừng tê giác, do bản chất của sừng của loại động vật này có cấu tạo từ keratin, giống như tóc và móng tay người hay sừng trâu, sừng bò nên cơ quan chức năng đã hỏa thiêu cùng củi đã tẩm dầu. Thời gian đốt cháy hoàn toàn khoảng 3 giờ và mẫu hiện vật thu được là tro.
“Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác… đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trong chống tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã và không cho phép tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp”, ông Lê Văn Thời nói.
Việc tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác cũng đã được nhiều quốc gia thực hiện trong những năm gần đây như: Kenya, Hoa Kỳ, Pháp, Italy, Cộng hòa Séc, Philippines, Singapore, Trung Quốc…