Làn sóng M&A kích thị trường căn hộ cao cấp nóng trở lại
Thị trường bất động sản trong nửa năm 2018 có chững lại sau hàng loạt sự cố cháy chung cư và việc siết chặt tín dụng địa ốc của ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng mới từ phân khúc cao cấp nhờ cú hích từ các thương vụ mua bán, chuyển nhượng (M&A).
Nở rộ thương vụ M&A "khủng"
Mở đầu năm 2018, thị trường bất động sản chứng kiến thương vụ M&A khủng khi Công ty CP Địa ốc Phú Long chính thức thế chân Posco E&C (Hàn Quốc) để cùng Vinaconex làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Splendora An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) sau khi mua lại 50% vốn trong Liên doanh Anh Khánh JVC từ tập đoàn đến từ Hàn Quốc này.
Splendora có tổng diện tích lên tới 264ha và từng được kỳ vọng là siêu đô thị kiểu mẫu mới của Hà Nội cách đây khoảng 10 năm, nhưng do quan điểm khác nhau của 2 bên trong liên doanh, nên dự án gần như bất động sau giai đoạn 1.
Với sự vào cuộc của Phú Long - đơn vị đã từng có quan hệ tốt đẹp với Vinaconex và là một trong những nhà phát triển bất động cao cấp lớn ở khu vực phía Nam với các dự án như Dragon Village, Dragon City hay dự án Splendora được kỳ vọng sẽ sớm trở lại thị trường.
Tiếp nối thương vụ của Phú Long là thương vụ Quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore đầu tư vào Công ty Vinhomes và một số công ty thành viên khác của Tập đoàn Vingroup vào đầu quý II/2018. Dù không tham gia mua lại dự án trực tiếp như Phú Long, song hầu như thành viên nào của thị trường cũng hiểu rõ mục đích GIC hướng tới phân khúc cao cấp và hạng sang, nơi mà Vinhomes đang là "bá chủ" trên thị trường với trên 30 dự án từ Bắc vào Nam.
Dòng sản phẩm bất động sản cao cấp, hạng sang của Vingroup vẫn được thị trường đón nhận bất chấp phân khúc cao cấp có giai đoạn trầm lắng. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2018, lợi nhuận của Vinhomes đạt tới gần 10.000 tỷ đồng, vượt xa nhiều doanh nghiệp cùng ngành, thậm chí đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong cả nước. Đặc biệt, với sự trợ lực của dòng vốn ngoại, Vinhomes càng có thêm nền tảng để tiếp tục thúc đẩy và phát triển dòng sản phẩm cao cấp của mình.
Cũng trong đầu quý II/2018, Nikkei cho biết, Tập đoàn Capital Land thông qua công ty con là CVH Nereus Pte. Ltd đã mua lại 16,9 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 99,5% vốn điều lệ của Công ty CP Hiền Đức Tây Hồ, qua đó giành quyền sử dụng khu đất rộng 0,9ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Giá trị của thương vụ này vào khoảng 685 tỷ đồng, tương đương 29,8 triệu USD.
Tại khu đất này, CapitaLand dự định sẽ phát triển dự án phức hợp với tổng cộng 380 căn hộ, gồm căn hộ Soho bên cạnh văn phòng và khối đế bán lẻ. Được biết, việc mua lại khu "đất vàng" trên sẽ mở rộng danh mục đầu tư của CapitaLand tới 12 dự án phát triển nhà ở, 01 khu liên hợp và 21 dự án căn hộ dịch vụ với khoảng 4.700 căn hộ tại 6 thành phố ở Việt Nam.
Theo thông cáo phát ra vào tháng 4, Frasers Property đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần có điều kiện với Công ty TNHH Trần Thái mua 24 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 75% vốn cổ phần của Công ty CP Địa ốc Phú An Khang. Thương vụ có giá trị khoảng 18 triệu USD. Trong thời gian tới, Phú An Khang sẽ tiến hành xây dựng dự án khu dân cư và thương mại trên khu đất tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Nhu cầu phân khúc cao cấp tăng cao
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, phân khúc cao cấp trở lại sau giai đoạn trầm lắng là điều không quá khó hiểu, bởi khẩu vị khách hàng bắt đầu trở nên khắt khe hơn sau hàng loạt vụ cháy nổ ở các dự án kém chất lượng. Mặt khác, phân khúc cao cấp muốn tiếp cận người dùng cũng phải tạo nên những sản phẩm chuyên biệt, phục vụ cho từng nhu cầu cụ thể của từng phân khúc khách hàng. Những tiện ích đó có thể khiến giá thành các căn hộ tăng lên, nhưng để những khách hàng cao cấp mà công ty hướng tới hài lòng, thì tiền không phải là vấn đề quá lớn.
Tương tự, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang Lasalle cho biết, trong nửa đầu năm 2018, có thể nhận thấy rõ xu hướng đầu tư mạnh vào căn hộ cao cấp, nhất là từ các nhà đầu tư ngoại thông qua việc thâu tóm hoặc hợp tác phát triển với các nhà đầu tư nội.
Tín dụng cho vay dự án bị thắt chặt, các chủ sở hữu quỹ đất không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để có thể thực hiện dự án. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bất động sản tại Việt Nam là "miếng bánh ngon" không dễ bỏ qua.
Ông Stephen Wyatt nhấn mạnh: "Việt Nam là một thị trường mới nổi có mức tăng trưởng vượt bậc so với các nơi khác trong khu vực. Hàng trăm triệu USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Mặc dù mức giá đã có sự tăng trưởng, nhưng vẫn thấp hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực.
Bà Sunny Hoang, Phó giám đốc phụ trách mảng Kinh doanh khu dân cư quốc tế tại Savills TP. Hồ Chí Minh lý giải, nhu cầu căn hộ cao cấp và hạng sang tại Việt Nam tăng mạnh thời gian qua là do mức giá vẫn còn thấp so với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore và Bangkok.
Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem là đắt đỏ nhất Việt Nam, một căn hộ sang trọng tọa lạc tại trung tâm thành phố có giá khoảng 115,3 triệu đồng/m2 (xấp xỉ 5.000 USD), nhưng ở Hồng Kông (Trung Quốc), người mua phải bỏ ra số tiền gấp 4 lần như thế.
Theo bà Sunny Hoang, nhu cầu trong nước chiếm đa số thị phần, nhưng đối với những người mua kén chọn đến từ Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Bắc (Trung Hoa), Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục, thì Việt Nam là một điểm đến lý tưởng.
"Chúng tôi nhận thấy rất nhiều nhu cầu đối với phân khúc cao cấp - cầu đã vượt cung, nên trong 3 tới 5 năm sau, tình hình sẽ rất khả quan nếu so sánh với các nước khác ở châu Á", bà Sunny Hoang cho biết.
Theo đánh giá của Savills, đối với các nhà đầu tư, mức ROI (tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư) khá hấp dẫn. Do nguồn cung căn hộ cao cấp không mấy dồi dào, nên chúng đem lại khoản lợi nhuận cao hơn và đang tăng với tốc độ 2 con số hàng năm.