"Làn sóng" tăng vốn khủng tại các ngân hàng
Kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn các năm trước, nhất là thông qua hình thức bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt.
Mùa đại hội cổ đông đang bước vào cao điểm. Hàng loạt ngân hàng đã được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn như OCB, SHB, SeABank..., chủ yếu thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, chi cổ phiếu thưởng hay phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
Mặt bằng vốn sẽ bị phá vỡ
Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng cũng chủ động tìm cách nâng cao năng lực, củng cố chất lượng hoạt động, đơn cử như việc tìm cách đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn cao hơn theo basel 2, basel 3, hay dễ thấy nhất là kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 17.885 tỷ đồng trong năm nay, ngân hàng OCB cho biết sẽ dành phần lớn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (hơn 3.200 tỷ đồng), bên cạnh đó còn để đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định...
Năm 2022 SeABank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Tại đại hội mới đây, cổ đông SHB thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 36.000 tỷ đồng, qua hai cấu phần là phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 15% và chào bán hơn 533,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 20%, với giá chào bán 12.500 đồng/cp.
Trong năm 2022, ABBank trình cổ đông tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hơn 94 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10% để trả cổ tức và phát hành 5 triệu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, ABBank có thể nâng vốn lên hơn 10.400 tỷ đồng.
Ngoài 4 ngân hàng nêu trên, theo khảo sát của VnBusiness, trong năm nay còn có thêm 13 ngân hàng khác đã công bố kế hoạch tăng vốn. Theo kế hoạch các nhà băng đã công bố, hệ thống ngân hàng sẽ được bổ sung khoảng 120.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm nay.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép 4 ngân hàng có vốn nhà nước được tăng vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn cao hơn, đồng thời tạo cơ hội cho phép các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay.
Hiện nay, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường với hơn 50.000 tỷ đồng, tiếp theo là Vietinbank với 48.057 tỷ đồng, Vietcombank hơn 47.000 tỷ đồng, VPBank xếp thứ tư…
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù các ngân hàng quốc doanh có hoàn thành mục tiêu, thì với kế hoạch tăng vốn khủng từ các ngân hàng tư nhân, dự báo vị thế dẫn đầu của nhóm ngân hàng quốc doanh về vốn điều lệ cũng sẽ thay đổi khi mà VPBank đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 79.000 tỷ đồng ngay trong năm nay.
Vẫn có ngân hàng chưa muốn tăng vốn
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho hay, động lực đằng sau động thái tăng vốn của các ngân hàng đến từ việc bản thân bộ định vốn của các ngân hàng tương đối thấp, nếu so với các ngân hàng trong khu vực trong bối cảnh rủi ro nợ xấu tăng trong năm nay là hiện hữu vì nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong năm ngoài.
Trong khi các ngân hàng tăng vốn điều lệ liên tục gần đây, vẫn có những nhà băng từ chối tăng vốn. Trong số đó phải kể đến Techcombank, nhà băng này giữ nguyên quan điểm không chia cổ tức, không tăng vốn sau lần gần nhất thực hiện là năm 2018.
Nói về vấn đề này, tại ĐHĐCĐ cuối tuần qua, trao đổi với các cổ đông, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh lý giải, việc chia cổ tức bằng tiền, phát hành thêm để tăng vốn, sẽ phụ thuộc vào việc này có mang lại lợi ích dài hạn cho ngân hàng và cổ đông hay không.
Các chỉ tiêu quan trọng để đánh giá một ngân hàng đa phần dựa trên chỉ tiêu vốn chủ sở hữu, do đó tăng vốn điều lệ hiện nay, theo Chủ tịch Techcombank, là không cần thiết. Điều này nếu thực hiện chỉ làm giảm giá cổ phiếu TCB, quy mô vốn hóa là không thay đổi.
"Có thể cổ đông cho rằng việc tăng vốn điều lệ làm giảm giá cổ phiếu sẽ làm thị giá tăng nhanh hơn. Tôi không nghĩ vậy, tại sao giá cổ phiếu không phải 100.000 hay 200.000 đồng. Chúng ta chưa làm thị trường đánh giá đúng Techcombank thì đó mới là điều cần chú ý. Quan điểm đôi khi bảo thủ nhưng là minh bạch, khi nào cần thiết mọi kế hoạch đều được xem xét", ông Hùng Anh nói.