Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ

Minh Châu (Báo Nhân dân)

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ vươn lên khởi nghiệp, góp phần khẳng định giá trị bản thân cũng như tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Chị Phan Vũ Hoài Vui khởi nghiệp bằng các sản phẩm làm từ mo cau.
Chị Phan Vũ Hoài Vui khởi nghiệp bằng các sản phẩm làm từ mo cau.

Năm nay, với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)”, cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tiếp tục mang đến cơ hội cho phụ nữ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống.

Trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp đang đứng trước những khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra, song rất nhiều phụ nữ vẫn theo đuổi khát vọng khởi nghiệp. Số lượng dự án gửi về dự thi cấp Trung ương năm nay tăng 1,6 lần so với năm 2020 đã cho thấy sự sẵn sàng, quyết tâm khôi phục và phát triển kinh tế hậu Covid-19. Hơn thế nữa, cuộc thi đã thu hút đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi tham gia”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ.

Trong số 1.549 chủ thể dự thi, có 14% là doanh nghiệp, 15% là hợp tác xã; có tới một phần ba là mô hình giảm nghèo và phụ nữ khuyết tật chiếm 5%. Bên cạnh đó, có 13% dự án đến từ vùng dân tộc thiểu số, 10% sản phẩm, dịch vụ của các dự án đã tham gia chương trình OCOP. Đặc biệt năm 2021 là năm đầu tiên Cuộc thi lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới phụ nữ bị ảnh hưởng của HIV, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, 11% phụ nữ đã và đang sử dụng nguồn tài chính vi mô của Hội.

Với dự án “Sản xuất và phân phối các sản phẩm gia dụng làm từ mo cau”, chị Phan Vũ Hoài Vui (tỉnh Quảng Nam) là một trong những cá nhân vinh dự được nhận giải Chắp cánh tài nguyên bản địa trong cuộc thi. Từ ký ức tuổi thơ về chiếc quạt mo, chị Hoài Vui đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ mo cau để làm ra các sản phẩm tự nhiên thay thế hộp xốp nhựa. Quay ngược dòng thời gian, chị Vui nhớ lại những ngày lên thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, thấy đồng nghiệp của mình ăn bữa cơm vội đựng trong hộp xốp, khay xốp, khay nhựa trong các quầy hàng siêu thị..., khiến bản thân chị trăn trở rất nhiều.

“Khi trở về quê nhà, chợt nhìn thấy chiếc mo cau rụng ở góc sân, tôi nhớ đến chiếc quạt mo của bà ngoại và nảy ra ý tưởng dùng mo cau để làm ra những sản phẩm gần gũi thiên nhiên, thân thiện với môi trường, vừa tạo nét đặc sắc riêng góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc”, chị Vui chia sẻ. Hiện tại, chị đã cho ra mắt nhiều mẫu sản phẩm gồm khay, chén, đĩa, muỗng, hộp và quạt làm hoàn toàn từ mo cau tự nhiên, thay thế hộp xốp, nhựa, an toàn cho sức khỏe của người sử dụng.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho chị Phan Vũ Hoài Vui gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự linh hoạt, nhạy bén của mình, chị đã nỗ lực tìm ra những chiến lược quảng bá phù hợp tình hình hiện tại để đẩy mạnh kinh doanh, tích cực bán hàng online trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… “Hợp tác xã của chúng tôi có hơn 80% là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại đây. Việc phát triển những ý tưởng của dự án sẽ tăng nguồn thu nhập, giúp chị em phụ nữ có cuộc sống ổn định hơn”, chị Vui cho biết.

Hay như chị Nguyễn Thị Huyền (xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội), với mong muốn khẳng định giá trị sản phẩm đặc trưng vùng miền mang thương hiệu của địa phương, đồng thời có thể áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp, chị đã mạnh dạn tham gia cuộc thi với dự án “Hợp tác xã liên kết sản xuất rau, củ, quả tiêu chuẩn OCOP, theo hướng PGS (hệ thống bảo đảm có sự tham gia - ghi chép sản xuất)”.

Chia sẻ về dự án của mình, chị Huyền cho biết: “Trong thực tế cuộc sống, nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình luôn cần những bữa ăn lành mạnh với rau củ quả an toàn, sạch sẽ. Sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu của một số người dân đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người, môi trường, tài nguyên đất. Do đó, tôi đã nghiên cứu và sử dụng chế phẩm tái sử dụng như: vỏ củ, quả, lá rau sau sơ chế để làm phân bón, thay cho sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Qua nhiều lần sử dụng, so sánh và kiểm nghiệm hiệu quả, an toàn, tôi đã triển khai áp dụng và chia sẻ cho các thành viên khác cùng sử dụng, khắc phục việc sử dụng chất hóa học trong sản xuất”.

Để sản xuất lâu dài, bền vững, chị Huyền đã xây dựng nhà xưởng phân khu cách biệt và thành lập tổ nhóm sản xuất có đội ngũ giám sát liên kết sản xuất với đơn vị giới thiệu sản phẩm và ký hợp đồng với các công ty, hợp tác xã, chuỗi cửa hàng để đưa sản phẩm an toàn nhất ra thị trường. “Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi nhận được sự hỗ trợ vốn vay từ tổ chức Tài chính vi mô Tình thương thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và từ đó mở rộng được quy mô sản xuất của mình.

Mặc dù số vốn nhỏ nhưng được vay trả liên tục nên rất thuận lợi và phù hợp với tôi cũng như các chị em khác tại địa phương để có thể tự mình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Tôi cảm thấy rất vinh dự và vui mừng khi được nhận giải Vì cộng đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng, nhờ đó tôi có thêm nguồn động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình”, chị Huyền cho biết.

Dự án của chị Phan Vũ Hoài Vui hay chị Nguyễn Thị Huyền là hai trong 24 dự án khởi nghiệp tiêu biểu được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng năm nay. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đã tạo nên một “sân chơi” cho chị em trên khắp mọi miền Tổ quốc, tạo được sức lan tỏa đặc biệt, truyền cảm hứng cho mọi người, cả những phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ khuyết tật… Qua đó, hướng tới một tương lai bền vững và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội.