Tỉnh Đồng Tháp:
Doanh nghiệp khởi nghiệp chuẩn bị chạy nước rút cho cuối năm
Còn chưa đầy hai tháng nữa là năm 2021 đã khép lại. Để chuẩn bị hàng hóa cho thị trường cuối năm, hiện các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang bắt đầu lập phương án chạy nước rút.
Ngay sau đợt nghỉ dịch dài ngày, đầu tháng 10 vừa qua sau khi cam kết đảm bảo các tiêu chí về sản xuất an toàn và nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Công ty TNHH MTV Bén Linh, TP. Cao Lãnh, chuyên sản xuất kềm và các dụng cụ hỗ trợ ngành nail, đã bắt tay khởi động sản xuất. Trở lại sản xuất, DN lên kế hoạch cho công nhân tăng ca để đảm bảo đủ nguồn hàng đã ký kết với đối tác.
Chia sẻ về việc phải “chạy nước rút” trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Văn Bén - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bén Linh cho biết, đặc thù ngành nail thường bắt đầu phát triển mạnh vào những tháng cuối năm, các đại lý phân phối hay đối tác nước ngoài tập trung lấy hàng nhiều vào giai đoạn này. Để đảm bảo hàng hóa cung cấp cho đối tác, hiện DN bắt tay vào sản xuất hết công suất có thể.
“Chúng tôi cũng đang chuẩn bị tuyển dụng thêm nhân sự mới, trang bị thêm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Hiện tình hình dịch COVID-19 tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của đơn vị dần ổn định, các đối tác cũng quay lại đàm phán và đặt hàng nhiều hơn so với thời điểm đầu năm. Mới đây, chúng tôi đã xuất một đơn hàng sang thị trường Campuchia, đây là một tín hiệu vui sau nhiều tháng dài đơn vị phải “đứng yên” để phòng, chống dịch COVID-19” – ông Nguyễn Văn Bén cho biết.
Bên cạnh sự phục hồi của thị trường xuất khẩu, Công ty TNHH MTV Bén Linh cũng cho biết, thị trường nội địa cũng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Tại một số tỉnh thành, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, các đại lý cũng đặt hàng mạnh trở lại chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Để có thể sản xuất hiệu quả trong giai đoạn đặc biệt như hiện nay, Công ty TNHH MTV Bén Linh đề ra nhiều tiêu chí về sản xuất hiệu quả - tiết kiệm nhằm giảm thiểu chi phí phát sinh, mang lại lợi nhuận cao nhất.
Hiện nhóm các DN, cơ sở sản xuất thực phẩm, bánh mứt phục vụ thị trường Tết cũng đang tất bật chuẩn bị hàng hóa. Chị Nguyễn Thị Kim Phương - chủ Cơ sở sản xuất Trà Phương Anh, xã Định Yên, huyện Lấp Vò cho biết: “Trong những tháng buộc phải dừng sản xuất để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, cơ sở đã chủ động tận dụng thời gian này để nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm mới và kết nối chặt chẽ hơn với các đại lý phân phối và khách hàng thông qua các nhóm Zalo nội bộ. Từ những nhóm thông tin này, chúng tôi có cơ hội lắng nghe khách hàng nhiều hơn, hiểu được thói quen tiêu dùng của từng khu vực và vùng miền, từ đó có những chiến lược điều chỉnh sản phẩm phù hợp theo từng phân khúc thị trường”.
Hiện tại, bên cạnh các sản phẩm như nước quýt hồng cô đặc, nước hạnh cô đặc, các loại trà, cơ sở cũng đang phát triển thêm các dòng sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe được chế biến từ đặc sản quýt hồng. Cơ sở cũng đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất cho các đơn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Tại làng bột Sa Đéc, ngay sau khi được trở lại sản xuất, Công ty Cổ phần Tinh bột Xanh (TP Sa Đéc) dồn hết nguồn lực để chạy nước rút cho thị trường tiêu dùng cuối năm. Bên cạnh việc tập trung cho sản phẩm xuất khẩu là ống hút gạo, DN còn đẩy mạnh sản xuất các dòng sản phẩm như: nui, bánh canh để phục vụ cho thị trường nội địa.
Ông Phạm Thế Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Tinh bột Xanh chia sẻ: “Hiện một số thị trường xuất khẩu chủ lực của chúng tôi như: EU, Úc, Mỹ bắt đầu có dấu hiệu lạc quan trở lại. Các đối tác đã bắt đầu quay lại đặt hàng, DN cũng đang chào hàng một số sản phẩm mới sang các thị trường này. Bên cạnh thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc, thị trường nội địa cũng có nhiều tín hiệu vui.
Thời gian qua, nhờ phát triển thêm các dòng sản phẩm mới như nui ngũ sắc, bánh canh ngũ sắc, bánh canh khoai lang tím... các sản phẩm này may mắn được người tiêu dùng trong nước yêu thích. Bên cạnh việc tập trung cho thị trường xuất khẩu, DN đang đẩy mạnh vào các kênh phân phối mới của thị trường nội địa. Hiện DN lên kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự mới để đảm bảo tiến độ sản xuất...”.
Mặc dù trở lại hoạt động sản xuất trong bối cảnh đặc biệt, các DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: giá nguyên vật liệu tăng, khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, chi phí logistic tăng mạnh... Song với những nỗ lực và khí thế mới trên mặt trận kinh tế, các DN khởi nghiệp Đồng Tháp đã có nhiều giải pháp chủ động ứng phó, vượt khó để phát triển kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương...