Lãnh đạo Chính phủ lắng nghe ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp

PV (Tổng hợp)

Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Chính phủ đã lắng nghe và ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp đối với tiến trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ hai năm 2017. Nguồn: chinhphu.vn
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ hai năm 2017. Nguồn: chinhphu.vn
Đánh giá những kết quả đạt được sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nhiều nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành đã tích cực và chủ động thực hiện cải cách, tạo luồng gió mới đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Dù những kết quả đạt được rất to lớn song chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục có những đề xuất đối với từng lĩnh vực sản xuất-kinh doanh của mình. 
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải kiến nghị: Về liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tập trung đầu tư phát triển những lĩnh vực có lợi thế; Nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách giáo dục, đào tạo; Giải pháp nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt;... đề nghị Chính phủ tiếp tục kiên định con đường cải cách để Việt Nam sớm trở thành "con hổ" mới của châu Á.

Ông Lê Văn Kiểm - Đại diện doanh nhân Cựu Chiến binh kiến nghị:
Giải pháp thu hút vốn từ nước ngoài để đầu tư hệ thống đường cao tốc; đầu tư PPP; Có giải pháp bảo lãnh về tỷ giá, xử lý khi tỷ giá biến động;...
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân phát triển; mong Chính phủ sớm có văn bản cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, để doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh bình đẳng với với khu vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, sớm có văn bản cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nâng cao tư duy dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư mạo hiểm, có cơ hội khắc phục các rủi ro kinh doanh...

Ông Phạm Văn Sơn đại diện doanh nghiệp sản xuất vacine: thuốc thú y, bảo vệ thực vật kiến nghị: Sớm có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chỉ đạo các bộ ngành, địa phương vào cuộc tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi; huy động doanh nghiệp vào cuộc xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia về nông nghiệp; có chính sách quy hoạch phát triển chăn nuôi, nông nghiệp; hỗ trợ vay vốn, giao đất trong một thời gian dài cho những người làm trang trại...

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH đề xuất: muốn "biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới" trước hết phải "làm tử tế trong nước', bà Hương đề xuất phải ban hành ngay quy chuẩn về an toàn thực phẩm đối với từng sản phẩm, đặc biệt là tiêu chuẩn sản phẩm sữa; có giải pháp triển khai chương trình sữa học đường.