Lập Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười“

PV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án "Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười".

Trọng tâm là phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị
Trọng tâm là phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Long An và các cơ quan liên quan chủ động xây dựng Đề án gắn với việc triển khai Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020; lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan, các nhà khoa học và tổng hợp theo quy định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2016.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020. Mục đích liên kết là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của từng địa phương trong Vùng nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; trọng tâm là phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

Quy chế này quy định thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2016 - 2020.