Lặp lại khủng hoảng giá dầu?

Theo saigondautu.com.vn

(Taichinh) - Trong vài tháng qua, giá dầu khá ổn định ở mức gần 60USD/thùng và người ta tưởng chừng cơn khủng hoảng giá dầu hồi cuối năm 2014 đã kết thúc. Tuy nhiên, từ đầu tuần này giá dầu bắt đầu lao dốc không phanh. Liệu cơn khủng hoảng giá dầu cuối năm 2014, đầu 2015 có lặp lại?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô WTI giao ngay lao dốc gần 8% trong cơn bán tháo của thị trường toàn cầu sau khi Hy Lạp công bố kết quả trưng cầu dân ý hôm chủ nhật. Kế đó, giá dầu tiếp tục lao dốc thêm 4% trong phiên giao dịch hôm thứ 3 (7-6) trước khi hồi phục đôi chút. Hiện giá dầu đang ở mức thấp nhất gần 3 tháng. Giới quan sát đưa ra một số nguyên nhân để tin rằng giá dầu đang rơi vào thị trường gấu.

Thứ nhất, nguồn cung quá dồi dào. Dù giá dầu ở mức thấp trong nhiều tháng qua, sản lượng dầu ở Hoa Kỳ vẫn không giảm do những hoạt động sản xuất mới tại vịnh Mexico và vịnh Permi. Tuần trước, tin cho biết các nhà khai thác dầu đá phiến thậm chí còn mở thêm vài mỏ mới. OPEC cũng đang gia tăng nguồn cung, với 31,5 triệu thùng/ngày, theo Platts. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2012.

Thêm vào đó, nguồn cung mới dự kiến sẽ thêm vào, đặc biệt khi Hoa Kỳ và Iran đang đàm phán về vấn đề hạt nhân. Nếu đàm phán thành công, Iran có thể được mở cửa vào thị trường dầu mỏ thế giới và gia tăng công suất một khi được dỡ bỏ cấm vận.

Thứ hai, nhu cầu dầu mỏ dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp, nếu không nói sẽ đi xuống. Cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp dự báo sẽ gây ra hiệu ứng domino làm đổ vỡ khu vực đồng EUR và khiến nền kinh tế khu vực suy sụp nghiêm trọng. Vì Eurozone là đối tác xuất khẩu lớn của nhiều nền kinh tế, sự suy sụp ở đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của toàn thế giới.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán của Trung Quốc cũng đang trong cơn khủng hoảng. Thị trường đã lao dốc hơn 30% trong chưa đầy 1 tháng, thổi bay 3.000 tỷ USD - gấp đôi giá trị của toàn bộ thị trường Ấn Độ - bất chấp những nỗ lực ứng cứu của chính phủ. Cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang tăng trưởng chậm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thứ ba, đồng USD đang ngày càng mạnh lên.

Đồng EUR đã rơi xuống mức thấp nhất 5 tuần so với đồng USD, tính đến phiên ngày 8-6, trong bối cảnh khủng hoảng Hy Lạp đang gây lo ngại. Tiền Canada cũng ở mức thấp 3 tháng so với USD, trong khi đô la Australia và New Zealand đều ở mức thấp 5 năm. Giá dầu được giao dịch bằng USD, nên khi đồng bạc xanh lá tăng giá, giá dầu sẽ đi theo chiều ngược lại.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại, cho rằng việc dầu lao dốc chỉ là tạm thời; và xu hướng chung sẽ là ổn định hoặc thậm chí tăng giá. Thứ nhất, một số nhà phân tích tin rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng chứ không giảm. Nhà đầu tư dầu mỏ huyền thoại Andy Hall dự báo giá dầu thấp sẽ tăng nhu cầu toàn cầu thêm 1,4 triệu thùng trong năm nay.

Một dự báo của Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cũng tin rằng nhu cầu xăng ở nước này sẽ đạt 9 triệu thùng/ngày trong năm nay, lần đầu tiên từ năm 2007, do việc đi lại bằng đường bộ gia tăng. Theo dữ liệu của Bộ Giao thông Hoa Kỳ, các chủ xe đã đi hơn 988 tỷ dặm trong tháng 4, tăng 3,9% so với năm ngoái. Tại Trung Quốc, tiêu thụ dầu mỏ tăng 7,3% trong tháng 5, trong khi nhu cầu xăng dầu dự báo tăng 10% năm nay, theo nghiên cứu Bernstein Research.

Thứ hai, nguồn cung sẽ không tăng đáng kể. Nhiều công ty dầu đang thoi thóp sẽ chết hẳn vì giá dầu quá thấp, do đó sẽ làm giảm nguồn cung. Việc Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với Hoa Kỳ cũng sẽ không mang lại một hiệu quả tức thì trong nguồn cung dầu mỏ. Các nhà quan sát dự báo các biện pháp cấm vận với Iran sẽ không được dỡ bỏ ít nhất là vào đầu năm 2016, do đó còn lâu Iran mới làm tràn ngập nguồn cung thế giới.

Vậy, rốt cuộc giá dầu sẽ chuyển động theo hướng nào? Tất cả vẫn cần thời gian trả lời.