Lấp “lỗ hổng” pháp lý về phòng, chống rửa tiền
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong thực thi pháp luật về phòng, chống rửa tiền, thực tiễn cho thấy còn một số vấn đề pháp lý đặt ra cần tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh.
Khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền dần được hoàn thiện
Những năm gần đây, cùng với việc tham gia thực hiện cam kết quốc tế về chống rửa tiền, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở cho hoạt động phòng, chống rửa tiền, tiệm cận cũng như phù hợp với các quy định, cam kết quốc tế về chống rửa tiền.
Luật Phòng chống rửa tiền đã được ban hành (năm 2012) và thực thi mạnh mẽ. Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền đã quy định chi tiết các biện pháp phòng, chống rửa tiền; Thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền; Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.
Cùng với đó, nhằm tạo sự răn đe cũng như xây dựng các chế tài xử phạt đối với các hành vi phạm liên quan đến rửa tiền trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, ngày 17/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Nghị định này đã quy định rõ nhiều mức phạt nghiêm khắc dao động phổ biến từ 20 triệu – 250 triệu đồng đối với các hành vi như: Vi phạm quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng; Vi phạm quy định về rà soát khách hàng và giao dịch, quan hệ ngân hàng đại lý; Vi phạm quy định về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố…
Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng bùng nổ với sự xuất hiện của các loại tiền ảo mang tính chất ẩn danh, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công an thực hiện đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo…
Mới đây nhất, ngày 30/4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 475/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nhằm mục tiêu thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT) và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm APG.
Bên cạnh các khuôn khổ pháp lý liên quan đến phòng, chống rửa tiền, các quy định được thể hiện rõ Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế tài sản… cũng góp phần tạo nên sự hoàn thiện trong khuôn khổ pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền, khẳng định cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến mang tính toàn cầu này.
Vẫn còn những “lỗ hổng”pháp lý
Qua quá trình thực thi pháp luật về phòng, chống rửa tiền, bên cạnh những chuyển biến tích cực, thực tiễn cho thấy, cũng còn một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh.
Cụ thể, hiện nay, một số chủ thể có hoạt động có thể bị lợi dụng để rửa tiền nhưng chưa được quy định vào đối tượng báo cáo; Một số quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền còn chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai; Một số quy định chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế mới về phòng, chống rửa tiền.
Mặt khác, một số điều khoản của Luật Phòng, chống rửa tiền còn sơ hở; nhiều quy định chưa được cụ thể hóa trong hoạt động của các cơ quan pháp luật nên chưa phát huy được năng lực và thẩm quyền của các cơ quan thi hành luật.
Bên cạnh đó, dù Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều ngân hàng thương mại chưa có các biện pháp nâng cao nhận thức cho nhân viên hay ngân sách dành cho đầu tư công nghệ thông tin còn rất hạn chế.
Để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý trong bối cảnh mới, gắn liền với việc thực hiện các cam kết quốc tế trong công tác phòng, chống rửa tiền, cần chú trọng tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền nhằm nhận diện những tồn tại, kẽ hở hiện nay, từ đó bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tạo ra rất nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng, Việt Nam cần phải hoàn thiện quy định nhằm chống rửa tiền bằng tiền ảo, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật mang tính ngăn ngừa, răn đe.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan như: Luật Quản lý thuế, Luật Thuế tài sản, pháp luật về đăng ký giao dịch… qua đó giảm thiểu được tình trạng rửa tiền thông qua các kênh như bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm.