Lập trường của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa: Không thay đổi và không thể thay đổi
(Tài chính) Tại các buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa là không thay đổi và không thể thay đổi. Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và tàu các loại ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Lập trường không thể thay đổi
Tại buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì chiều 18/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi; đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Cùng ngày, tại buổi tiếp ông Dương Khiết Trì, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam đã được nêu trong các cuộc tiếp xúc các cấp của hai bên thời gian qua. Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế; gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì nêu lại lập trường của Trung Quốc, đồng thời cũng bày tỏ nhất trí hai bên cần tiếp tục các kênh trao đổi, tiếp xúc song phương để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay và cùng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác hiện có giữa hai nước.
Về ý kiến của Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì liên quan đến tình hình an ninh an toàn đối với các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Vừa qua tại một số địa phương của Việt Nam, lợi dụng các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, một số người đã có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đây là sự việc đáng tiếc ngoài mong muốn, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết ngăn chặn, nhanh chóng ổn định tình hình, xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật và có các biện pháp hỗ trợ giúp đỡ kịp thời. Tất cả các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất kinh doanh bình thường.
Kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
Cũng trong ngày 18/6, tại buổi tiếp ông Dương Khiết Trì, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hòa bình, ổn định của khu vực.
Phó Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà cả hai nước đều là thành viên.
Ông Dương Khiết Trì nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước có những bước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa, đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.
Trong các cuộc tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc; mong muốn giữ gìn, củng cố và không ngừng làm cho quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước.
Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và luôn mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, ổn định lâu dài với Việt Nam; mong muốn hai bên tiếp tục bàn bạc để làm giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề trên biển, nhất trí cần tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, cùng nỗ lực giữ gìn cục diện quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định.