Lấy lại niềm tin cho thị trường bất động sản
(Tài chính) Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản (BĐS) cho rằng, chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng vừa được công bố sẽ góp phần “làm ấm” thị trường BĐS thông qua việc lấy lại niềm tin của cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà.
Tại hội nghị triển khai chương trình tín dụng liên kết “bốn nhà” trị giá 50.000 tỷ đồng do Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng (VNCB) phối hợp tổ chức hôm qua (17/4) tại Hà Nội, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân tích về những khiếm khuyết của thị trường BĐS hiện nay. Từ đó, ông Mạnh cho rằng, thị trường BĐS đang thiếu niềm tin.
“Tính đến hết tháng 12/2013, tồn kho thị trường BĐS còn khoảng 94.000 tỷ đồng. Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) như sắt, thép, xi măng cũng tồn kho lớn. Khoảng 200 lĩnh vực chịu ảnh hưởng do thị trường BĐS đóng băng. Mặc dù NHNN có nhiều động thái hỗ trợ thị trường như gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, tung ra gói 30.000 tỷ đồng nhưng thị trường vẫn khó khăn do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đơn vị. Nhà đầu tư mất niềm tin nên cũng không bỏ tiền vào thị trường”, ông Mạnh phân tích.
Có quan điểm lạc quan hơn, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng: Thị trường BĐS thời gian qua đã có những tín hiệu khởi sắc. Theo ông Nam, trong cả năm 2013, tổng số lượng giao dịch (yếu tố quan trọng nhất để đánh giá thị trường) tại các sàn giao dịch chính thức đã tăng trưởng mạnh qua từng quý. Riêng năm nay, tính đến ngày 15/4 có 2.300 giao dịch thành công và đây là những giao dịch mà người mua thực sự có nhu cầu về nhà ở chứ không phải mua đầu cơ. Xu hướng giảm giá đã ngừng đối với các dự án khả thi, có vị trí tốt và đang hoàn thiện. Thậm chí, có dự án ở Hà Nội có khối lượng xây dựng đạt 70 - 80% thì giá còn nhích lên.
Từ những yếu tố tích cực đó, Thứ trưởng Nam đánh giá: “Dù chưa phải là những tín hiệu rõ rệt nhưng có thể nói thị trường đã bắt đầu ấm lên, niềm tin của người dân bắt đầu quay trở lại. Mặt khác, khi thị trường bắt đầu có khuynh hướng tốt thì các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội phải cùng “cộng hưởng” để củng cố xu hướng này. Đây là cơ hội để khôi phục thị trường BĐS”.
“Quy mô của chương trình là 50.000 hay 70.000 tỷ đồng không quan trọng bằng việc thực hiện nó như thế nào. Nếu thực hiện tốt, gói này sẽ tự động tăng lên. Nếu thực hiện không tốt, nó sẽ tự động co lại. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với NHNN và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn khi thực hiện và chỉ đạo các bên thực hiện đúng theo chủ trương NHNN đưa ra, mang lại lợi ích cho người dân”.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, mô hình “bốn nhà” được đưa ra nhằm tháo gỡ “nút thắt” niềm tin của thị trường BĐS, khi mà ngân hàng không tin công ty VLXD, công ty VLXD không tin nhà thầu, nhà thầu và ngân hàng không tin nhà đầu tư... Và điều này khiến dòng tiền bị tắc nghẽn.
Đại diện cho Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nam cho biết, quan điểm của Bộ là ủng hộ chương trình liên kết “bốn nhà” thông qua chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng.
Khơi thông dòng tiền
Hiện nay, theo thống kê của Bộ Xây dựng, có 2.800 dự án dở dang, chiếm diện tích 68.000 ha đất. Các dự án đình trệ chủ yếu là do thiếu vốn, ngân hàng ngừng cho vay, người dân ngừng đóng tiền khiến các doanh nghiệp VLXD cũng bị ảnh hưởng theo.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, số tiền 50.000 tỷ đồng hỗ trợ ngành xây dựng và BĐS sẽ tạo ra sự dịch chuyển hàng hóa vật liệu xây dựng, song song với sự dịch chuyển tiền tệ. Theo ông Hiếu, hai khâu này dù tách biệt nhưng phải gắn bó mật thiết với nhau. Ông Hiếu cho rằng, việc liên kết “bốn nhà” sẽ liên kết được khâu hàng hoá và tiền tệ, kiểm soát dòng tiền. Đồng thời, chương trình này sẽ giúp hoàn thành và đẩy mạnh tiêu thụ BĐS.
“Mục đích chính của gói 50.000 tỷ đồng là lấy lại niềm tin cho giới tài chính, nhà sản xuất, người tiêu dùng. Những đơn vị không đủ năng lực sẽ không được tham gia vào gói tín dụng này. Các đơn vị bị kiểm soát trong hợp đồng ký kết nên giá sản phẩm giảm, người dân sẽ được lợi”, ông Hiếu cho hay.
Trước băn khoăn của dư luận rằng liệu chương trình liên kết “bốn bên” chỉ tập trung vào nguồn cung mà bỏ rơi người tiêu dùng, trong khi sức cầu suy giảm mới là vấn đề chính của thị trường hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tồn kho hiện nay chủ yếu ở các dự án dở dang hoặc dự án đã hoàn thành nhưng diện tích lớn, giá cao, không phù hợp nhu cầu thị trường.
“Hiện thị trường vẫn rất thiếu các dự án đã hoặc gần hoàn thành với quy mô và giá phù hợp. Bởi vậy gói 50.000 tỷ đồng sẽ có tác dụng tạo thêm các dự án có quy mô phù hợp, giá bán thích hợp. Do đó, tôi cho rằng chúng ta không lo gói này làm thừa thêm nguồn cung”, ông Nam nhận định.