Lấy người nộp thuế là trung tâm để thiết kế các ứng dụng quản lý thuế

Thùy Linh

Cải cách thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp là mục tiêu mà ngành Thuế hướng tới và được thể hiện trong tất cả các hoạt động về cải cách công tác quản lý thuế của Ngành.

Ngành Thuế đã, đang tái thiết tổng thể quy trình nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin với phương châm lấy người nộp thuế là trung tâm.
Ngành Thuế đã, đang tái thiết tổng thể quy trình nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin với phương châm lấy người nộp thuế là trung tâm.

Không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý

Tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2024 tổ chức ngày 16/10, ông Mai Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành Thuế đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện pháp luật quản lý thuế, trong đó, đã sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, tạo hành lang pháp lý nhằm cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra.

Đồng thời, ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tất cả các khâu của công tác quản lý thuế. Việc quy định áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử đã góp phần tạo thuận lợi, đơn giản hóa và tiết kiệm thời gian cho việc thực hiện các thủ tục về thuế, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.

Đến nay, toàn ngành Thuế đã thực hiện công khai và cập nhật kịp thời thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia, các trang thông tin điện tử của cơ quan thuế các cấp; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện thủ tục hành chính; thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin thuế cho người nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế.

Cơ quan thuế các cấp tập trung tuyên truyền, hỗ trợ hiệu quả, nhanh chóng cho người nộp thuế dưới nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là bằng phương thức điện tử như: Website ngành Thuế, hỗ trợ người nộp thuế tra cứu thông tin thuế và các văn bản, quy định về thuế, hỏi đáp, giải quyết vướng mắc kiến nghị của người nộp thuế; tổ chức các hội nghị, các buổi đối thoại theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, các buổi hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế; Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ thuế điện tử tiếp tục được vận hành, triển khai ổn định, hỗ trợ kịp thời 24/7 cho người nộp thuế sử dụng các dịch vụ thuế điện tử với tỷ lệ hỗ trợ trên 95%.

Đáng chú ý, ông Mai Sơn cho biết, ngành Thuế đã, đang tái thiết tổng thể quy trình nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin với phương châm lấy người nộp thuế là trung tâm để thiết kế các ứng dụng, đảm bảo tăng cường tính linh hoạt, tích hợp của hệ thống và hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược dài hạn của ngành Thuế. Cụ thể, ngành Thuế đã nâng cao tính phục vụ người nộp thuế, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thuế điện tử, đồng thời áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích rủi ro xác định gian lận hóa đơn, ngăn chặn tình trạng buôn bán hóa đơn bất hợp pháp.... nhằm góp phần minh bạch hóa và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.

 

“Những nỗ lực cải cách của ngành Thuế đã và đang mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội và góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước”.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn

Cơ quan thuế các cấp tiếp tục duy trì và đẩy mạnh ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng đạt 99,95%; tỷ lệ sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,2%; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 99%; 100% doanh nghiệp, tổ chức đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Đồng thời, ngành Thuế tập trung xây dựng đội ngũ công chức thuế ngày càng chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Cùng với việc cải cách công tác quản lý, thời gian qua, ngành Thuế luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế.

Tổng cục Thuế đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thuế về hỗ trợ, gia hạn, miễn giảm các loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), giảm lệ phí trước bạ và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp.

Ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tất cả các khâu của công tác quản lý thuế.
Ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tất cả các khâu của công tác quản lý thuế.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhận định, các chính sách, giải pháp về thuế được ban hành và thực hiện kịp thời đã có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thời gian qua.

Cùng với đó, Hệ thống chính sách thuế đã và đang được cải cách đồng bộ các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu của giai đoạn 2021-2030 như: Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Thuế thu nhập doanh nghiệp… theo định hướng đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế được ban hành kèm theo Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu để góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế. Trong giai đoạn đầu (2021-2025) tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế đã nỗ lực, quyết liệt triển khai và chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp trọng tâm cả về thể chế chính sách thuế và công tác quản lý thuế để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp.