Lệnh trừng phạt của Mỹ liệu có tác động đến dự trữ ngoại hối của các quốc gia?
Không nhiều quốc gia bên ngoài châu Âu ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga do Mỹ dẫn đầu, trong bối cảnh mối quan tâm ngày càng tăng với dự trữ quốc gia bằng đường hoán đổi song phương.
Mỹ vẫn “thờ ơ” với Trung Quốc
Trung Quốc hoan nghênh quyết định của Mỹ về việc khôi phục miễn thuế đối với hơn 350 mặt hàng Trung Quốc, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ tất cả các thuế quan dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump càng sớm càng tốt.
Shu Jueting, phát ngôn viên của Bộ Thương mại nước này cho biết, các khoản miễn trừ được chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố mới đây sẽ giúp bình thường hóa thương mại. “Trong bối cảnh lạm phát cao liên tục hiện nay và những thách thức đối mặt với sự phục hồi kinh tế toàn cầu, mọi người đều hy vọng rằng, Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ tất cả các loại thuế quan áp lên Trung Quốc càng sớm càng tốt, để sớm đưa quan hệ kinh tế và thương mại song phương trở lại bình thường”.
Việc miễn trừ, sẽ áp dụng hồi tố từ tháng 10 năm ngoái cho đến cuối năm 2022, được đưa ra sau khi kết thúc giai đoạn lấy ý kiến công chúng mà văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố vào tháng 10/2021. Tuy nhiên, Shi Yinhong, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Renmin Trung Quốc đánh giá, quyết định này là một sự điều chỉnh nhỏ trong chính sách thương mại của Mỹ.
“Cho đến nay, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Mỹ sẽ xóa bỏ đáng kể và lâu dài mức thuế cao đối với Trung Quốc và điều đó không báo hiệu một sự thay đổi tích cực lớn trong quan hệ thương mại song phương”, ông nói.
Cung chung nhận định này, Huo Jianguo, cựu Giám đốc một tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nhận xét, việc khôi phục quyền miễn trừ là một động thái mang tính biểu tượng, chứ không phải là một bước có thể giải quyết các vấn đề cơ bản. Washington đã phải chịu áp lực gia tăng trong nước từ cộng đồng doanh nghiệp trong việc giảm thuế do nguy cơ lạm phát. Cũng có khả năng, Washington đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ từ Bắc Kinh để đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, mặc dù đó có thể chỉ là sự cân nhắc thứ yếu.
Trong một tuyên bố, USTR cho biết quyết định được đưa ra sau khi xem xét cẩn thận các ý kiến cộng đồng và tham khảo ý kiến của các cơ quan khác của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các khoản miễn trừ chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các sản phẩm Trung Quốc trị giá 360 tỷ USD vẫn bị áp thuế chiến tranh thương mại.
Mặc dù thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã hết hạn vào tháng 12 và hai cuộc đàm thoại giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa có nhiều tiến triển trong việc nối lại đối thoại thương mại song phương cấp cao.
Dự trữ ngoại hối có thể thay đổi
Ông Tập đã cảnh báo rằng, mối quan hệ song phương, thay vì thoát khỏi tình trạng khó khăn do chính quyền Trump tạo ra, đã gặp phải một số thách thức ngày càng tăng. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đã cảnh báo Trung Quốc về các biện pháp trừng phạt thứ cấp có thể xảy ra nếu nước này viện trợ cho Nga.
Theo nhà phân tích Anthony Rowley, chuyên về các vấn đề kinh tế và tài chính châu Á đánh giá, những hành động mà Mỹ và một số quốc gia khác áp dụng hoặc đe dọa chống lại Nga trên quy mô chưa từng có trước đây, có nguy cơ gây ra những hậu quả lan rộng và không lường trước được, có thể có lợi cho Trung Quốc và những nước khác, làm xói mòn giấc mơ toàn cầu hóa do Mỹ dẫn đầu. Bởi trong số nhiều quốc gia ở châu Phi, Trung Đông, châu Á và các đảo Thái Bình Dương, chỉ một số ít đã tham gia các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính hoặc tiền tệ của Mỹ - EU đối với Nga.
Ông Hung Tran, thành viên cấp cao không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương phân tích trên tờ South China Morning Post rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, châu Âu và các nước khác áp đặt lên Nga là từ chối việc Ngân hàng Trung ương Nga tiếp cận một phần dự trữ quốc tế của họ. Điều này đã thúc đẩy suy đoán về nỗ lực của một số quốc gia nhằm chuyển dự trữ quốc tế sang các loại tiền tệ ít bị tổn thương hơn trước các lệnh trừng phạt. Do đó, Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ trở nên nổi bật trong vấn đề này.
“Kết quả có thể là sự gia tăng toàn cầu của các đường dây hoán đổi song phương liên quan đến Trung Quốc, Nga và vô số đối tác thương mại có thể đạt được các lệnh trừng phạt ở một mức độ nhất định. Điều này chắc chắn sẽ làm xói mòn tầm quan trọng của đồng Đô la Mỹ như một loại tiền tệ toàn cầu cho các khu định cư thương mại.
Vì vậy, ngay cả khi Mỹ và các đồng minh giữ vững lập trường của họ trong việc tạo ra một mạng lưới các biện pháp trừng phạt được cho là làm tê liệt Nga, thì nền tảng đó có thể đang bị cắt đứt bởi sự thiếu hỗ trợ chung và sự xói mòn của cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu”, ông nói.
Theo đó, Trung Quốc đã có các thỏa thuận hoán đổi song phương với 41 quốc gia trị giá hơn 3,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ (550 tỷ USD). Đây là những thỏa thuận mà hai Ngân hàng Trung ương đồng ý mua lại tiền tệ của nhau, để đổi lấy tiền tệ của chính họ, chúng được sử dụng để cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho Ngân hàng Trung ương nhằm ngăn chặn sự bất ổn tài chính.
Ngoài ra còn có Sáng kiến Chiang Mai, được đưa ra như một tập hợp các đường hoán đổi song phương giữa các thành viên ASEAN+ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 để bổ sung thanh khoản và sau đó được chuyển đổi thành một thỏa thuận đa phương gọi là Sáng kiến Chiang Mai Đa phương hóa.
Ông Hung cũng lưu ý, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới giao dịch hoán đổi song phương với một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Mục đích là thúc đẩy các thỏa thuận thanh toán bằng nội tệ trong thương mại song phương của mỗi quốc gia này với Trung Quốc. Như vậy, giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ cũng sẽ giúp Nga tránh được các lệnh trừng phạt đối với các giao dịch bằng USD, Euro và Bảng Anh, ngay cả khi điều này có thể khiến các tổ chức tài chính của Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.
Có thể thấy, sự siết chặt của phương Tây và tác động mạnh mẽ của các biện pháp trừng phạt đảm bảo mức độ tuân thủ các lệnh trừng phạt. Một loạt các biện pháp phản ứng được chính quyền Mỹ liên tiếp tung ra, từ cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Donald Trump đến Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, nhưng theo giới chuyên gia, sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng lại trật tự kinh tế toàn cầu và những người chơi mới hoặc đang nổi có thể sẽ dẫn đầu...
Trong quá khứ, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã cấp hơn 2.200 loại trừ thuế quan áp đặt trong chiến tranh thương mại, trong đó 549 loại được gia hạn thêm một năm và hết hạn vào cuối năm 2020. Trong quá trình xem xét, USTR ban đầu đã xem xét loại trừ tất cả 549 sản phẩm đó. Các sản phẩm được miễn trừ phục hồi bao gồm nhiều loại hàng hóa sản xuất và tiêu dùng, từ phụ tùng xe hơi và máy tính đến xe đạp và thịt cua.