Liên thông kết quả kiểm tra chuyên ngành ở TP. Hồ Chí Minh

Theo baohaiquan.vn

Đến nay Cục Hải quan TP.HCM đã ứng dụng nhiều chương trình quản lý hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK; về hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã thực hiện liên thông kết quả, giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV1 kiểm tra thực phẩm nhập khẩu: Nguồn: PV.
Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV1 kiểm tra thực phẩm nhập khẩu: Nguồn: PV.

Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đã thông tin như vậy tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ về công tác công tác cải cách thủ tục hành chính (ngày 28/11).

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, hiện nay có khoảng 54.000 DN làm thủ tục XNK hàng hóa tại Cục, với lưu lượng hàng hóa chiếm 35% tổng số hàng hóa XNK của cả nước. Trong đó, lượng tờ khai hải quan XNK hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 35% tổng số tờ khai hải quan của toàn đơn vị. 

Cục Hải quan TP.HCM đã ứng dụng nhiều chương trình quản lý hiện đại nhằm tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng nhất cho các DN, như: Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đối với tàu biển XNC; tàu bay XNC tại các sân bay quốc tế…  

Đặc biệt, đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Cục Hải quan TP.HCM đã ký kết quy chế phối hợp với 14 cơ quan kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn TP.HCM; Xây dựng và áp dụng cổng thông tin kiểm tra chuyên ngành kết nối 4 đơn vị: Cơ quan Hải quan, DN kinh doanh cảng, DN XNK và cơ quan kiểm tra chuyên ngành, nhằm trao đổi, liên thông kết quả một cách nhanh nhất. 

Về những bất cập trong công tác quản lý đối với kiểm tra chuyên ngành, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, kiểm tra chuyên ngành là cần thiết, tuy nhiên, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan vẫn còn quá nhiều; vẫn còn sự không thống nhất kiểm tra chuyên ngành trong các bộ ngành, một mặt hàng do 2 đơn vị trong cùng một bộ kiểm tra, hoặc 2 bộ cùng kiểm tra.

Ông Nghiệp kiến nghị cần thay đổi phương pháp trong đó quan trọng nhất là nâng cao trách nhiệm của các DN XNK, phải đảm bảo chất lượng, an toàn đối với người tiêu dùng. Nhưng không phải lô hàng nào cũng phải kiểm tra mà phải áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành. 

Buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác Cục Kiểm soát hành chính đã có buổi làm việc và khảo sát về công tác cải cách thủ tục hành chính tại cảng Cát Lái.

Báo cáo về hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cảng Cát Lái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Lê Thanh Hải cho biết, hiện nay, tại cảng Cát Lái có 8 cơ quan kiểm tra chuyên ngành đặt văn phòng làm việc ngay tại cảng Cát Lái. Các cơ quan này đã phối hợp rất tốt với cơ quan Hải quan trong việc tạo thuận lợi cho DN trong việc lấy mẫu, chuyển kết quả kiểm tra, thông quan hàng hóa…  

Đánh giá về công tác phối hợp giữa cơ quan kiểm tra chuyên ngành với cơ quan Hải quan trong việc cải cách thủ tục, hỗ trợ DN, ông Đặng Văn Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng II- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, thực hiện quy chế ký kết, 2 đơn vị đã kết nối thông tin thông suốt gữa cơ quan chuyên ngành với cơ quan Hải quan qua cổng thông tin kiểm tar chuyên ngành của Cục Hải quan TP.HCM.

Theo đó, sau khi lấy mẫu kiểm tra xong, kết quả được thông báo ngay trên cổng kết nối thông tin, cơ quan Hải quan căn cứ vào kết quả này thực hiện thông quan hàng hóa cho DN. Việc này giúp giảm thời gian, chi phí cho các DN.  

Theo ông Hoàng, nếu DN thông báo sớm về các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi hàng cập cảng thì sẽ rất thuận lợi cho DN trong việc bốc dỡ hàng hóa khi lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành.

Đoàn công tác đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của cơ quan Hải quan, cơ quan kiểm tra chuyên ngành để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, đồng thời sẽ tổ chức tuyên truyền những nỗ lực của cơ quan Hải quan trong việc chủ động hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN…