Nhiều vướng mắc khi Nghị định về nhập khẩu hóa chất có hiệu lực

Theo baohaiquan.vn

Ngày 25/11, Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất có hiệu lực. Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi tới Bộ Công Thương nêu nhiều vướng mắc sẽ phát sinh khi Nghị định này đi vào cuộc sống.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 kiểm tra mặt hàng hóa chất nhập khẩu. Nguồn: PV.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 kiểm tra mặt hàng hóa chất nhập khẩu. Nguồn: PV.
Điều 13 gây bất cập trong quản lý hàng hóa chứa tiền chất

Trong đó, vướng mắc lớn nhất là quy định liên quan đến tiền chất. Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 113/2017/NĐ-CP thì các trường hợp được miễn trừ giấy phép XNK tiền chất gồm: a, Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng; b, Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng.

Tổng cục Hải quan cho rằng, quy định trên dẫn tới nhiều vấn đề bất cập.

Về mặt pháp lý, khái niệm tiền chất được định nghĩa rõ tại khoản 4 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy. Danh mục tiền chất được quy định tại các nghị định: Nghị định 82/2013/NĐ-CP và tiền chất công nghiệp được quy định tại Thông tư 42/2013/TT-BCT. Theo các văn bản trên để nhận biết một tiền chất công nghiệp có 6 tiêu chí gồm: Tên chất, tên khoa học, mã CAS, công thức hóa học và mã HS. Quy định như vậy là rõ ràng, minh bạch, dễ dàng thực hiện cho đối tượng quản lý và người quản lý.

Khái niệm hàng hóa chứa tiền chất không được định danh trong các văn bản pháp quy liên quan. Trong thực tế, có rất nhiều mặt hàng chứa tiền chất, ví dụ: Axit Sulfuric có trong bình ắc quy chì. Axit aminobenzoic thường có trong các sản phẩm chống nắng. Còn Safrol hay safrole từng được sử dụng rộng rãi như là một loại phụ gia thực phẩm trong root beer, trà xá xị và nhiều mặt hàng thông thường khác. Axit phennylacetic là một auxin (một loại hoocmon thực vật) và được tìm thấy chủ yếu trong trái cây, Axit phennylacetic được sử dụng trong một số loại nước hoa, vì nó có mùi mật ong. Chất Axit acetic dùng làm dung môi hữu cơ, dược phẩm, cao su, sơn, thuốc nhuộm, thực phẩm, tẩy vải… Acetone được sử dụng trong các chất tẩy rửa, dụng cụ làm sạch, dùng để pha keo epoxy 2 thành phần, sơn và vecni. Đối với Axit tartaric có trong nhiều loại thực vật, đặc biệt là nho, chuối, trong rượu vang, chất này còn được thêm vào các loại thực phẩm khác.

Theo Tổng cục Hải quan, các hàng hóa chứa tiền chất nêu trên không thuộc danh mục quản lý bằng giấy phép nên theo quy định tại Điều 4 Nghị định 08/2015/NĐ-CP chỉ làm thủ tục bình thường tại các chi cục hải quan cửa khẩu.

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP về phân loại hàng hóa thì mỗi hàng hóa chỉ có một mã duy nhất làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa.

Nếu thực hiện theo Điều 13 Nghị định 113/2017/NĐ-CP sẽ dẫn đến một hàng hóa có mã số tính thuế và mã số áp dụng chính sách quản lý khác nhau, ví dụ: Mặt hàng sơn mã số thuế phân nhóm 3208, giấy phép quản lý theo mặt hàng Acetone (là thành phần có trong sơn) phân nhóm 2914.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, Điều 12 Nghị định 113/2017/NĐ-CP chỉ quy định hồ sơ, thủ tục xin phép XNK tiền chất (không có quy định đối với hàng hóa chứa tiền chất) và cơ quan cấp giấy phép là Bộ Công Thương, nhưng theo phân tích trên thì rất nhiều hàng hóa chứa tiền chất không thuộc đối tượng quản lý của Bộ Công Thương.

Trên thực tế, do không có danh mục quản lý đối với hàng hóa chứa tiền chất và đa số hàng hóa chứa tiền chất không thể nhận biết bằng cảm quan hoặc các phương pháp thủ công đơn thuần nên sẽ dẫn đến việc yêu cầu phân tích giám định tràn lan gây phiền hà, tốn kém cho DN. Ví dụ để xác định lượng Acid sunfuric có trong bình ắc quy chì hoặc lượng Axit Acetic có trong dưa chuột muối phải tiến hành giám định.

Trước những bấp cập được dự đoán khi Nghị định 113/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn theo hướng: Hỗn hợp hóa chất chứa tiền chất mà phân loại vào mã số HS của tiền chất có tên chất, tên khoa học, mã CAS, công thức hóa học giống như mô tả tại Danh mục thì phải xin giấy phép NK như tiền chất.

Hàng hóa chứa tiền chất nói chung không phải xin giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất.

Nhiều quy định đang làm khó Hải quan

Ngoài vướng mắc liên quan đến tiền chất, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Công Thương làm rõ nhiều vướng mắc tại Điều 2, Điều 3 về đối tượng áp dụng: Trường hợp DN NK hóa chất thuộc Phụ lục I, Phụ lục II về trực tiếp sử dụng, sản xuất, không cung ứng trên thị trường nhằm mục đích sinh lời có thuộc đối tượng áp dụng của nghị định hay không?

Hay tại Điều 3, Điều 9, Điều 15 về chứng từ phải xuất trình cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục XK, NK hóa chất chưa cụ thể. Tại Điều 19 quy định NK hóa chất độc chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục, chứng từ phải xuất trình trong trường hợp NK hóa chất độc. Dẫn tới khó khăn cho cơ quan Hải quan trong trường hợp xác định có phải hóa chất độc hay không để áp dụng chính sách quản lý tương ứng…

Vướng mắc về Điều 25 không quy định giới hạn hàm lượng hóa chất phải khai báo trong hỗn hợp là bao nhiêu thì phải khai báo hóa chất là rất khó khăn cho cả cơ quan Hải quan kiểm tra và người khai hải quan khi thực hiện…

Về thời hạn xác nhận khai báo hóa chất NK và hình thức xử lý vi phạm, theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP, việc xác nhận do Cục Hóa chất “tự động phản hồi thông tin đến Cổng thông tin một cửa quốc gia”, nhưng không quy định cụ thể thời hạn trả kết quả xác nhận là bao lâu, cơ quan Hải quan và DN không có cơ sở theo dõi để giải quyết thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, tại Nghị định có quy định thông tin khai báo hóa chất không chính xác thì tổ chức, cá nhân NK sẽ vị xử lý vi phạm, tuy nhiên không rõ chế tài xử lý hiện đang được quy định tại văn bản nào?

Về hiệu lực thi hành, Điều 38 của Nghị định không thay thế Nghị định 58/2003/NĐ-CP quy định về kiểm soát NK, XK, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất. Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn đối với việc XK, NK tiền chất từ ngày 25/11/2017 thực hiện theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP hay tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 58/2003/NĐ-CP và Nghị định 82/2013/NĐ-CP, Thông tư 42/2013/TT-BCT.