LienVietPostBank: Lãi tiền gửi cao kéo lợi nhuận sụt giảm
Lợi nhuận ròng quý II/2023 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank (mã chứng khoán: LPB) sụt giảm 51% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 43% so với quý trước do chi phí vốn và hoạt động tăng mạnh.
Gánh nặng chi phí làm suy giảm hoạt động kinh doanh
Số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2023 của LPB cho thấy, tính chung cả 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này thu về khoảng 6.019 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng quý II/2023, tổng thu nhập hoạt động kinh doanh của LPB đạt khoảng 2.886 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, ảnh hưởng bởi 20% giảm từ thu nhập lãi và 40% sụt giảm từ thu nhập ngoài lãi.
Cụ thể, chi phí vốn của LPB tăng mạnh 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ và 82 điểm cơ bản so với quý trước lên 7,3% dưới tác động của môi trường lãi suất tăng cao.
Thu nhập ngoài lãi cũng giảm 40% so với cùng kỳ khi không còn sự đóng góp của thu nhập đột biến 356 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư trong quý II/2022, cộng hưởng lên 23% sụt giảm của tổng thu nhập hoạt động kinh doanh trong quý II/2023.
Tỉ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của LPB giảm 28 điểm cơ bản so với cùng kỳ và giảm 16 điểm cơ bản so với quý còn 0,21%, từ đó làm tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sụt giảm xuống 0,73% quý II/2023 (cùng kỳ năm 2022 là 1,04%).
Lũy kế đến 30/6/2023, thu nhập lãi cho vay khách hàng của LPB đạt khoảng 13.764 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, chi phí trả lãi tiền gửi quá cao, ở mức 8.288 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ), nên thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng còn 5.476 tỷ đồng. Chi phí trả lãi cao cùng loạt chi phí khác đã kéo lợi thu nhập lãi thuần của LBP trong nửa đầu năm sụt giảm mạnh (-12%), bất chấp tín dụng tăng trưởng tới hơn 7%.
Lưu ý thêm là LPB là một trong số các ngân hàng thương mại có tỷ lệ CASA thấp nhất trong ngành, chỉ khoảng 7%, khiến ngân hàng có ít sự chống chịu khi lãi suất tăng mạnh (giai đoạn cuối năm 2022).
Không chỉ gia tăng chi phí trả lại, chi phí hoạt động của LPB cũng tăng mạnh làm lợi nhuận ròng suy yếu. Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại khác đang thực hiện cắt giảm tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp khó khăn, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của LPB tăng mạnh lên 51% (tỷ lệ này trong quý II/2022 là 36%).
Tuy nhiên, việc nhà băng này đã thực hiện cắt giảm 11% nhân sự trong 6 tháng đầu năm 2023 có thể giúp điều chỉnh chi phí lương, phụ cấp và các khoản theo lương trong nửa cuối năm.
Nợ xấu tăng cao
Trong 6 tháng đầu năm 2023, LPB cho vay khách hàng 253.392 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trường tín dụng 7,6%. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với toàn ngành Ngân hàng (tín dụng toàn ngành tăng 4,73%).
Dư nợ tăng nhanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung khiến LPB không thể nói không áp lực nợ xấu. Phân tích chất lượng dư nợ cho vay của ngân hàng cho thấy, nợ nhóm 3 – 5 đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Trong đó, nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn tăng nhiều nhất, tăng hơn 80%. Con số dư nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tính đến ngày 30/6/2023 là hơn 2.438 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cũng tăng cao, lần lượt là 49% và 61,2%.
Nợ xấu tăng mạnh, nhưng LPB lại trích lập dự phòng rủi ro cho vay ít đi, giảm 9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng bị ngân hàng này cắt giảm 17% so với cùng kỳ, chỉ còn 526 tỷ đồng trong quý II/2023 và 750 tỷ đồng trong cả 6 tháng.
Việc cắt giảm chi phí dự phòng có thể giúp ngân hàng hạn chế được phần nào mức giảm sâu của lợi nhuận, nhưng làm suy giảm chất lượng tài sản ngân hàng, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,23 % từ 1,5% tại cuối năm ngoái và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 142% cuối năm 2022 xuống còn 78%.
Một chi tiết đáng chú ý trong bảng cân đối kế toán của LPB là khoản phải thu tăng đột biến lên 10.131 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, LPB không có thuyết minh, diễn giải cho khoản phải thu tăng đột ngột này.
Cổ phiếu LPB đang được giao dịch ở mức giá 16.500 đồng (tại phiên giao dịch 1/8), tăng 2% so với thời điểm đầu năm.