Linh hoạt chính sách tiền tệ, mở rộng cung ứng vốn cho doanh nghiệp

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chính sách tiền tệ không nên giới hạn mang tính chất tổng thể để có thể mở rộng cung ứng vốn cho doanh nghiệp tương ứng với mặt bằng giá mới hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp khô vốn

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp, đại diện các Hiệp hội ngành hàng đều bày tỏ khó khăn trong việc tiếp cận vốn, ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tín dụng đang bị siết chặt từ đầu tháng 8. Trong khi lạm phát tăng cao khiến nhu cầu thế giới sụt giảm, nhiều nhà nhập khẩu không nhận được đơn hàng từ nay đến tháng 10. Như vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sẽ có hàng tồn kho, không thể trả tiền ngay cho ngân hàng, dẫn tới không thể vay khoản mới để thu gom nguyên liệu.

Đây là tình trạng chung mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải khi nhiều ngân hàng đang cạn “room” tín dụng còn chi phí sản xuất của doanh nghiệp đã tăng nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, thức ăn chăn nuôi tăng trên 20%, chi phí vận tải quốc tế ở mức khoảng 400 triệu đồng với mỗi container từ Việt Nam tới bờ Tây nước Mỹ...

Còn theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may cũng đứng trước nhiều khó khăn, nhất là thiếu tiềm lực về vốn, tài chính, đặc biệt trong thời gian chống dịch vừa qua.

Trước đó, phát biểu tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng với các bộ, ngành về ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cơ quan quản lý vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2022, dù nhận được một số kiến nghị về việc “nới” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15-16%.

Theo Thống đốc, tăng trưởng tín dụng luỹ kế từ đầu năm tới ngày 26/7/2022 là 9,42%. Con số này trong giai đoạn từ cuối tháng 7/2021 tới 26/7/2022 là 17%. Ngược lại, huy động vốn của hệ thống ngân hàng luỹ kế 7 tháng đầu năm ước đạt 4,21%. Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam dựa trên cách tính GDP mới ở mức 124%, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Tỷ lệ này dựa trên cách tính GDP cũ đã vượt mức 140%. Những con số này đều ở mức cao nhất thế giới.

Còn tỷ lệ tín dụng/huy động vốn từ thị trường 1 (tiền gửi của doanh nghiệp và người dân) đã đạt 99%, đồng nghĩa với hệ thống ngân hàng huy động được 100 đồng thì cho vay tới 99 đồng.

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng từ tháng 7 bắt đầu chậm hẳn lại khi các ngân hàng đã “ đầy room”. Trao đổi với báo chí, ông Bùi Tiến Đức, chuyên gia đến từ Mirae Asset nhận định, có thể những lo ngại về lạm phát, lãi suất tại các nước lớn tăng lên, chưa hoàn toàn kiểm soát được dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản và các chính sách sửa đổi vẫn đang ở trạng thái dự thảo, đã tác động đến việc trì hoãn nới room tín dụng của NHNN.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang có sự thâm dụng vốn khá cao, khi những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng trong nước gần như luôn cao hơn gấp đôi so với tăng trưởng của nền kinh tế.  Vì vậy, việc để tình trạng full room tín dụng kéo dài có thể sẽ gây ra những diễn biến không tốt trong bối cảnh Việt Nam vẫn kiểm soát chất lượng tăng trưởng tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước năm 2014.

“Tôi cho rằng, NHNN sẽ sớm cấp lại room tín dụng cho các ngân hàng, có thể các ngân hàng có chất lượng tài sản và tín dụng tốt sẽ được ưu ái cấp sớm và nhiều hơn các ngân hàng còn lại.

Đặc biệt hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng đều đang hướng đến chuẩn Basel II theo thông lệ quốc tế. Do đó, việc kiểm soát bằng trần tín dụng đang sẽ giới hạn sự phát triển của các ngân hàng có chất lượng tài sản và tín dụng tốt, không thúc đẩy được phát triển một cách bền vững của thị trường tài chính. NHNN nên chủ động dẫn dắt và định hướng cho thị trường tài chính, tiền tệ thông qua các chính sách cụ thể”, ông Đức nói.

Mở rộng tài khoá

Xoay quanh chủ đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, câu chuyện về room tín dụng đã được bàn nhiều lần trong nhiều năm và có kiến nghị bỏ từ lâu.

Thực tế, việc can thiệp hành chính vào thị trường, làm cho thị trường méo mó dẫn tới phân bổ nguồn lực sai lệch và không đúng với cơ chế thị trường. Nhưng NHNN chưa muốn bỏ vì có nhiều nguyên nhân đứng đằng sau, trong đó có một nguyên nhân lớn là, nếu bỏ room tín dụng thì một số ngân hàng yếu kém sẽ chạy đua huy động và cho vay, có thể ảnh hưởng đến thị trường. Vấn đề này trước đây đã khó, mà đến nay khi áp lực lạm phát, tâm lý lạm phát đang rất mạnh, thì khả năng bỏ room tín dụng còn khó hơn...

“Thời gian vừa qua khi đi khảo sát các doanh nghiệp, tôi thấy hiện nay ngân hàng không thể “bơm” tiền ra cho vay vì đã hết room tín dụng và gói hỗ trợ 2% lãi suất cũng không thể thực hiện được. Nguyên nhân rất đơn giản rằng, việc không tăng room tín dụng dẫn tới không có dư địa để mở rộng cung cấp vốn và nếu không có sự thay đổi nhất định, thì triển khai gói 40.000 tỷ đồng là rất khó.

Tại thời điểm hiện nay, chính sách tài khóa phải được mở rộng thêm nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời chính sách tiền tệ nên giới hạn ở một số lĩnh vực, đối tượng có tính chất đầu cơ tạo ra rủi ro cho nền kinh tế, không nên giới hạn mang tính chất tổng thể.

Chúng ta đều thấy mặt bằng giá cả đã tăng, thiết lập mức giá mới, nghĩa là mặt bằng giá không thể kéo xuống thấp được và không thể dùng công cụ hành chính để can thiệp mà phải dùng công cụ thị trường. Để doanh nghiệp không bị khô vốn, thúc đẩy tăng trưởng thì chắc chắn phải dùng chính sách tài khóa, hỗ trợ cung cấp đủ vốn cho doanh nghiệp tương ứng với mặt bằng giá mới này”, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.