Linh hoạt điều hành, thị trường hàng hóa duy trì ổn định
Ngày 30/10, tại Hà Nội, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 10. Theo đánh giá chung, thời gian qua, dù thị trường hàng hóa có nhiều biến động nhưng công tác điều hành đã được thực hiện linh hoạt, góp phần ổn định giá cả và bảo đảm mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong phạm vi cho phép.
Linh hoạt trong điều hành giá
Thị trường hàng hóa thế giới tháng 10 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Cụ thể, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục leo thang đã gây áp lực đến cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các nhóm năng lượng, nông sản, kim loại. Các nhân tố địa chính trị, nguồn cung tăng, chứng khoán toàn cầu nhiều phiên giảm mạnh, căng thẳng quan hệ giữa Hoa Kỳ - Ả rập Xê út… cũng tạo sức ép lên giá dầu.
Với những tác động đó, nhìn chung, hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 10 có biến động tăng giảm đan xen. Đơn cử, trong tháng 10, giá dầu thô thế giới đạt đỉnh của năm vào ngày 3/10. Tại New York, giá dầu thô đạt mức 76,41 USD/thùng và London đạt 86,29 USD/thùng. Tuy nhiên sau đó được điều chỉnh giảm xuống với mức tương ứng là 67,59USD/thùng và 77,62 USD/thùng vào ngày 26/10.
Tại thị trường trong nước, bà Lê Thị Hồng - Vụ Thị trường trong nước thông tin, thị trường trong nước hiện đang trong giai đoạn chuyển sang mùa lạnh nên nhu cầu và thị trường các sản phẩm may mặc sôi động hơn. Nhu cầu hàng hóa thực phẩm tăng phục vụ mùa cưới. Các mặt hàng nhóm năng lượng tiếp tục xu hướng tăng giá do tác động của giá thế giới. Các mặt hàng thiết yếu khác như đường, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng… cũng tăng do nhu cầu sản xuất và sử dụng cuối năm. Tuy nhiên, do nguồn cung dồi dào nên giá không có nhiều biến động lớn.
Trong tháng 10, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 378.626 đồng, tăng 1,2% so với tháng trước. Trong đó mức tăng chủ yếu từ các nhóm hàng may mặc, đồ gia dụng, lương thực thực phẩm do đang vào dịp cuối năm và chuyển mùa lạnh. Các nhóm du lịch dịch vụ, văn hóa phẩm và giáo dục giảm do sau thời gian tiêu dùng nhiều trong mùa hè và mùa khai giảng. Tính chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 3.612.796 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khá trong những năm gần đây.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao là một trong những yếu tố tác động mạnh nhất đến thị trường hàng hóa thời gian qua. Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thông tin, thời gian qua, giá xăng dầu thế giới biến động khó lường nhưng trong nước, việc điều hành khá uyển chuyển. Đơn cử, có những thời điểm Quỹ bình ổn giá chi nhưng không trích lập khi giá xăng dầu thế giới lên cao. Ở thời điểm khác, khi giá ổn định, mức chi lại được duy trì. Nhờ đó, dù nhiều thời điểm giá xăng dầu thế giới đạt “đỉnh”, giá xăng dầu trong nước vẫn không tăng “sốc”. Trong 19 lần điều chỉnh từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều hành hợp lý.
Nhờ đó, CPI tháng 10 tăng 0,33% so với tháng trước. Trong đó giao thông tăng cao nhất với 1,55% do giá xăng dầu và phí bảo dưỡng bảo trì tăng. Tiếp đến là nhóm giáo dục tăng 0,58% do 7 tỉnh điều chỉnh tăng học phí theo lộ trình. Nhóm nhà ở và vậy liệu xây dựng tăng 0,31% do giá gas, dịch vụ sửa chữa nhà ở và dầu hỏa tăng. Các nhóm còn lại chỉ tăng 0,02 - 0,22%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Tính chung, CPI 10 tháng đầu năm tăng 3,6% so với cùng kỳ. Dư địa để đạt mức tăng 4% như mục tiêu Quốc hội giao vẫn còn cơ hội để đạt được.
Điều hành linh hoạt giá cả cuối năm
Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, do đang vào dịp cuối năm và mùa lạnh tại các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và hàng hóa Tết bắt đầu tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu nhiên liệu, năng lượng tăng phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, nguồn cung các mặt hàng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu khá đồi dào. Giá có xu hướng tăng nhưng mức tăng không lớn nên thị trường hàng hóa trong nước sẽ sôi động hơn nhưng không có biến động giá bất thường ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, để đảm bảo bình ổn thị trường trong dịp cuối năm, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương và các Sở ban ngành liên quan theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động giá tăng cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động triển khai Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng kết nối các doanh nghiệp kinh doanh hàng Tết với các tổ chức tín dụng. Thực hiện việc lưu trữ, bảo đảm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường với giá hợp lý, ổn định trong giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, Hiệp hội đã tuyên truyền để các doanh nghiệp thành viên chú ý đảm bảo chất lượng hàng hóa và bình ổn giá dịp cuối năm. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, không lo ngại về nguồn cung hàng hóa dịp Tết, nhưng giá có thể tăng nhẹ.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa do Nhà nước quản lý. Phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.