Lộ diện nhiều bất cập sau kiểm toán 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT
Báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018 của cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho thấy, đã có nhiều hạn chế, bất cập, sai sót trongquá trình đầu tư 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT.
8 dự án BOT tăng tổng mức đầu tư
Kết quả kiểm toán 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT trong năm 2018 cho thấy, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư. Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức hợp đồng BOT tăng 20,17 tỷ đồng; Dự án Nâng cấp, mở rộng ĐT830 và ĐT824 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An theo hình thức hợp đồng BOT tăng 10,6 tỷ đồng; đặc biệt Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT tăng 98,7 tỷ đồng,… Bên cạnh đó, còn có việc nghiệm thu, thanh toán sai cho các dự án, theo đó, kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng gồm sai khối lượng 115,4 tỷ đồng, sai đơn giá 228,2 tỷ đồng và sai khác 492,8 tỷ đồng.
Đại diện cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho biết cũng đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn là Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT giá trị xử lý tài chính bằng 11% giá trị được kiểm toán. Cơ quan Kiểm toán cho biết thêm, năm 2017 trở về trước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí 227,4 năm của 67 dự án.
Thông tin về kết quả kiểm toán 7 dự án BT trong năm 2018, ông Trần Khánh Hoà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước cho biết, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh. Kiểm toán các dự án này cũng cho thấy nhiều bất cập khác như lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn. Việc thương thảo, ký hợp đồng chưa đảm bảo quy định, điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ, đặc biệt có hợp đồng ký sai quy định gây thất thoát ngân sách nhà nước tới 282,92 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan Kiểm toán, tại 7 dự án này, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư, điều này là trái với quy định của Luật Đất đai; tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách. Theo ông Trần Khánh Hòa, đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán.
Bất cập trong nhiều lĩnh vực
Kết quả kiểm toán ngân sách 2018 cũng chỉ ra nhiều hạn chế, sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.067 dự án, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, trong chi đầu tư công có hiện tượng chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định tổng mức đầu tư không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần, giá trị lớn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn nhiều sai sót...
Với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, qua kiểm toán các dự án cho thấy hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều dự án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu, điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Cụ thể, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu:
Để hạn chế các bất cập trong đầu tư dự án BOT, BT, báo cáo phương án tiền khả thi phải rõ ràng về chi phí, tài trợ, vốn đầu tư của nhà đầu tư, tình trạng vốn vay ra sao. Khi đi vào thực hiện, hai bên phải đồng ý với nhau các chỉ số tài chính tại phương án khả thi và hai bên phải tuân thủ các phương án đó để không bị vượt chi phí để ra, nếu vượt phải được sự xem xét, đồng thuận của cả hai bên. Trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan Chính phủ phải theo dõi tiến độ dự án, kiểm soát chi phí và có biện pháp kịp thời ngay sau khi chi phí bắt đầu đội lên. “Để dự án được thực hiện công minh, cần thực hiện đấu thầu công khai nhằm tìm được nhà đầu tư có năng lực và triển khai nghiêm chỉnh, tránh đầu tư chỉ định sẽ dẫn đến trường hợp ưu tiên cho DN thân quen, dẫn tới tham nhũng, thất thoát, bởi việc đội vốn, thất thoát tài sản, đất đai, nguồn lực của Nhà nước, thất thu ngân sách khi không thông qua đấu thầu công khai. Chính quyền các cấp phải có sự giám sát các dự án, đặc biệt là dự án BT, để đảm bảo sự công minh trong đấu thầu công khai, bất kể dự án lớn hay nhỏ”.