Lo ngại logictics tiếp tục tác động lớn lên hoạt động xuất khẩu gạo năm 2022
Việc hạn chế tại thị trường châu Phi do biến chủng Omicron, hay những động thái của Trung Quốc áp dụng chính sách nghiêm ngặt về thời gian cách ly từ 4 lên 6-8 tuần... khiến các doanh nghiệp lo ngại logistics sẽ tiếp tục còn là vấn đề khó khăn cho năm 2022.
Với chính sách zero covid, Trung Quốc áp dụng chính sách cách ly nghiêm ngặt đối với người từ các nước nhập cảnh vào Trung Quốc là 4 tuần, nhưng do lo ngại biến thể Omicron từ tháng 1/2022 nước này sẽ nâng thời gian cách ly lên từ 6 - 8 tuần.
Logictics phập phù khiến xuất khẩu gạo đi châu Phi giảm mạnh
Các tàu quốc tế vào cảng Trung Quốc một là bị kẹt lại hoặc họ sẽ hạn chế đến nước này, khi đó hàng hóa xuất khẩu của các nước lân cận cũng sẽ bị ảnh hưởng, và các mặt hàng xuất khẩu của khu vực này sẽ giảm rất đáng kể trong quý 1/2022.
Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, VRICE đang bán các mặt gạo cao cấp vào thị trường EU, Trung Đông và vào hệ thống siêu thị tại châu Phi, nhưng hiện nay hầu như không có container (cont) để cho doanh nghiệp thuê, có một số tuyến gần như không nhận hàng luôn nên việc đặt chỗ trên tàu đưa gạo sang châu Phi rất khó mà giá lại rất cao, chính vì vậy mà thời gian gần đây lượng gạo từ Việt Nam xuất đi châu Phi rất ít.
Trước đây, gạo từ Việt Nam xuất khẩu đi châu Phi khá ổn định là nhờ các tập đoàn lớn qua Việt Nam mua hàng thuê được tàu lớn chở hàng, nên lượng gạo xuất khẩu đi châu Phi chiếm khoảng 30% trên tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Nhưng nay tàu lớn rất khó thuê và lượng cont rất khan hiếm dẫn đến lượng gạo xuất đi châu Phi bị hạn chế. Khó khăn trong việc thuê cont và tình trạng logictics phập phù sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lượng gạo xuất khẩu đi châu Phi trong quý 1/2022.
Theo phân tích của Giám đốc Marketing Công ty VRICE, do tình trạng thiếu cont cho các chuyến hàng đi xa cùng với giá cước tăng rất cao khiến các nước mua gạo từ Việt Nam dè chừng hơn, và rất có thể sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu gạo Ấn Độ hoặc Pakistan, vì ba lý do:
Thứ nhất, giá gạo ở các nước này rẻ hơn. Thứ hai lợi thế về mặt địa lý nên khoảng cách từ Ấn Độ, Pakistan đi châu Phi gần hơn và chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn thị trường xuất khẩu chính là Philippines, dù hiện nay nước này tạm ngừng nhập khẩu nhưng vào khoảng tháng 1/2022 họ sẽ nhập khẩu lại.
Thứ ba, nếu tình hình vận chuyển vẫn tiếp tục khó khăn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt là vụ Đông Xuân 2022.
“Tình trạng tắt nghẽn đang diễn ra ở tất cả các cảng từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ, do chưa có tàu hoặc trên tàu không đủ chỗ nên gạo xuất khẩu của Việt Nam bị kẹt tại cảng Cát Lái, cảng Cái Mép từ 2 - 3 tuần là bình thường. Trong khi, gạo từ Ấn Độ xuất đi châu Phi vẫn diễn ra thuận lợi hơn so với Việt Nam và các doanh nghiệp Ấn Độ vẫn xuất được với khối lượng rất lớn.
Ấn Độ là nước lớn ngoài gạo ra họ còn xuất nhiều mặt hàng khác với khối lượng, so với Việt Nam thì thương mại giữa Ấn Độ và châu Phi lớn hơn rất nhiều nên các hãng tàu sẽ ưu tiên hơn”, Giám đốc Marketing VRICE cho biết.
Logictics làm thay đổi phương thức vận chuyển gạo xuất khẩu
Còn theo VITIC, tình trang tắc nghẽn vận chuyển đường thủy và do khan hiếm cont, các nhà xuất khẩu gạo châu Á phải thay đổi cách thức vận chuyển để đưa gạo tới thị trường châu Phi bằng cách “xé lẻ” các lô gạo ra để chở bằng tàu đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu gạo.
Theo một nhà kinh doanh có trụ sở tại Singapore, xuất khẩu gạo từ châu Á sang Tây Phi gần đây trở nên vô cùng khó khăn do cước vận tải tăng và việc vận chuyển bằng cont trở nên bất khả thi. Do khó khăn trong việc thuê cont và dù có thuê được thì để cont cập cảng sẽ cần rất nhiều thời gian do tình trạng tắc nghẽn, giờ đây, cách duy nhất để gạo châu Á có thể được vận chuyển vào Tây Phi – thị trường vốn nổi tiếng là có tỷ suất lợi nhuận thấp - là chia nhỏ các lô gạo để chở bằng tàu, khiến chi phí vận chuyển.
Sự tắc nghẽn ở cảng đến ngày càng trở nên phổ biến, gây sự chậm trễ trong giao hàng. Bên cạnh đó, cước vận tải từ châu Á sang Tây Phi hiện lên tới 130 – 150 USD/tấn, quá cao nếu tính cơ cấu chi phí vận chuyển trong giá gạo ở các thị trường Tây Phi.
Một vấn đề khác liên quan đến sự chậm trễ mà các tàu chở gạo đang phải đối mặt là tại các cảng xuất phát. Tại Cảng Kakinada của Ấn Độ, thời gian chờ đợi từ 7-10 ngày hoặc thậm chí lâu hơn diễn ra rất phổ biến.
Từ tháng 1/2022, thủy thủ các tàu vào Trung Quốc sẽ bị cách ly từ 6 - 8 tuần
Trong một diễn biến khác liên quan vận chuyển hàng hóa, do ảnh hưởng từ chính sách zero covid của Chính phủ Trung Quốc, từ tháng 1/2022 nước này sẽ nâng thời gian cách ly thủy thủ các tàu từ 4 tuần như hiện nay lên từ 6 - 8 tuần đã dấy lên quan ngại từ các hãng tàu.
Theo một số hãng tàu, nếu Trung Quốc nâng thời gian cách ly thủy thủ đoàn lên 6 - 8 tuần khi đó sẽ xảy ra hai tình huống, hoặc các tàu quốc tế vào cảng Trung Quốc bị kẹt lại hoặc các hảng tàu sẽ hạn chế số chuyến tàu đến nước này, khi đó hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và các nước lân cận trong đó có Việt Nam bị giảm rất đáng kể, và xuất khẩu gạo cũng không ngoại lệ.
Gạo tuy là thực phẩm thiết yếu nhưng lại là mặt hàng chiếm trọng lượng và diện tích trên tàu rất lớn cho nên các hãng tàu sẽ ưu tiên một là cho các loại hàng nhẹ và thứ hai là các mặt hàng có giá trị cao và khi nào còn dư chỗ họ mới cho gạo lên tàu. Do gạo sẽ là mặt hàng không được ưu tiên của các hãng tàu.
Do vậy, khi ký hợp đồng mới các doanh nghiệp phải tính toán, nếu có phương án ký hợp đồng kỳ hạn và giá C&F giao hàng tới cảng bên mua nên cân nhắc, vì có thể không có chuyến hoặc không có chỗ trê tàu và thứ ba là chí phí rất cao.
Các doanh nghiệp nhà nước hoặc các tập đoàn lớn thường ký bán giá FOB, còn những doanh nghiệp chuyên hàng siêu thị hoặc hàng kỳ hạn chủ yếu ký giá C&F.
“Doanh nghiệp ký giá C&F một là có thể thua lỗ về giá cước, hai là không có tàu nên không đáp ứng được yêu cầu của khách về thời gian giao hàng, và khi hàng bị nằm ở kho bãi sẽ rất tốt chi phí. Tuy nhiên, thông thường hàng siêu thị và hàng kỳ hạn thường doanh nghiệp cũng đã tính toán trước chi phí vận chuyển nên có giá bán rất cao nếu giá cước tàu có tăng thì cũng sẽ bù đắp được”, Giám đốc Marketing Công ty VRICE cho biết.