Lo tiềm ẩn rủi ro, dư nợ tín dụng bất động sản giảm hơn 7 nghìn tỷ đồng
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng cho biết, tính đến cuối tháng 8/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 7.340 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 6/2022. Trước vấn đề “nóng” này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lý giải, huy động vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi vốn cho bất động sản là dài hạn nên mở rộng tín dụng lĩnh vực này sẽ tiềm ẩn rủi ro.
Nguồn vốn bất động sản “eo hẹp”
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III/2022, các nguồn vốn bao gồm vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn, giảm mạnh so với các quý trước. Tính đến ngày ngày 31/8/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 777.235 tỷ đồng, giảm 7.340 tỷ đồng so với thời điểm ngày 30/6/2022.
Trong đó dư nợ tín đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở là 185.406 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 23,85%. Dư nợ với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê là 143.452 tỷ đồng, chiếm 18,45%.
Dư nợ đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 77.311 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,95%. Dư nợ với các dự án nhà hàng, khách sạn là 56.403 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,25%. Dư nợ đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 35.802 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,6%.
Trong khi đó, dư nợ đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 42.193 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,4%. Dư nợ đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 37.151 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,8%.
Thận trọng trong điều hành tín dụng bất động sản
Tại phiên chất vấn của kỳ hợp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, giải trình về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phân tích, tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi vốn cho lĩnh vực này là dài hạn, số tiền lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn, nên "không điều tiết tốt, ngân hàng sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản".
Nhắc lại mục tiêu điều hành tín dụng là đảm bảo tuân thủ chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói trong từng giai đoạn sẽ có những điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng.
Chẳng hạn, giai đoạn cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thì mở rộng tín dụng cho bất động sản sẽ gây khó khăn cho NHNN trong đạt mục tiêu chính sách tiền tệ, chứ chưa nói tới đi ngược lại mục tiêu này. "Điều hành tín dụng cho bất động sản vì thế phải cân nhắc, thận trọng" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Đại diện NHNN cho biết, trong chỉ đạo điều hành, NHNN đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro gián tiếp, chẳng hạn quy định hệ số điều chỉnh rủi ro với khoản vay bất động sản là 200%, vay mua nhà giá trị trên 4 tỷ đồng là 150%... Hệ số này với vay mua nhà ở xã hội dưới 1,5 tỷ đồng là dưới 50%. Tức là, chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ hướng tới ưu tiên cấp tín dụng khoản vay nhà ở phân khúc thấp.
Thống đốc NHNN thông tin rằng, thời gian tới, các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác, để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Khơi thông dòng vốn cho phân khúc nhà ở xã hội
Cũng nêu ý kiến về tín dụng bất động sản, tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận), đặt vấn đề rằng tín dụng cho nhà ở xã hội hiện thấp, trong khi dòng tiền bất động sản chủ yếu chảy vào phân khúc cho người giàu.
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và năm 2021 đã bổ sung bằng Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, trong đó giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội và một số tổ chức tín dụng được chỉ định cũng tham gia chương trình này.
Tới nay, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 10.584 tỷ đồng, dư nợ tới ngày 30/9 là 9.147 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội. Còn các tổ chức tín dụng được chỉ định thì hiện chưa giải ngân được, do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí cho họ.
“Thời gian tới đây ngành Ngân hàng sẽ rà soát để dòng chảy tín dụng vào phân khúc nhà ở xã hội, thu nhập thấp lưu thông tốt hơn.” – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, HoREA đề nghị Chính phủ, NHNN xem xét có thể nới trần tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.