Lộ trình ATIGA đến năm 2018: Thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam
(Tài chính) Từ năm 2007 đến nay, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới biến đổi nhanh với những diễn biến phức tạp. Trong thời gian qua, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đem lại những kết quả tích cực, tác động sâu sắc đến kinh tế, xã hội, tạo ra những cơ hội to lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm.
ATIGA: Lộ trình cam kết đến năm 2018
ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các thỏa thuận FTA mà ASEAN là một bên của thỏa thuận.
Ngày 26/2/2009, Hiệp định ATIGA được ký tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 tại Thái Lan và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 17/5/2010.
Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan, ASEAN đã thống nhất sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan, đối với ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) vào năm 2010 và với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) vào năm 2015 với một số linh hoạt đến 2018 (khoảng 7% tổng số dòng thuế). Ngoài ra, một số mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm của Việt Nam như mía đường… được phép duy trì mức thuế suất 5% sau giai đoạn 2018.
Thực hiện cam kết ATIGA, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0% tính đến thời điểm 2014. Dự kiến từ ngày 1/1/2015, sẽ có thêm 1.720 dòng thuế được cắt giảm xuống thuế suất 0%. Số còn lại gồm 687 dòng thuế (chiếm 7% Biểu thuế), chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, sẽ xuống 0% vào năm 2018, tập trung vào các nhóm hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa…
Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các thành viên ASEAN nhìn chung trong 4 năm từ 2009 đến năm 2012 đều theo xu thế tăng mạnh cụ thể năm 2011 đạt 34%, 2012 đạt 37,83 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm trước và chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2013 con số này đạt 29,57 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các cả nước. Tuy nhiên trái ngược với mức tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa thì mức thâm hụt cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với 3,68 tỷ USD nhưng đã giảm mạnh so với mức nhập siêu 7,33 tỷ USD của năm 2011, và 6.06 tỷ năm 2010, bằng 21,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Trong năm qua, Việt Nam chủ yếu xuất sang ASEAN các nhóm hàng chủ lực như: gạo, dầu thô, sắt thép, điện thoại các loại & linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, xăng dầu các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện… Hàng hoá mà các doanh nghiệp của Việt Nam nhập khẩu từ khu vực thị trường này chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: xăng dầu; nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu;… Trị giá của 4 nhóm hàng này chiếm hơn 46% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN.
Như vậy, nhìn chung với việc đưa 1.720 số dòng thuế cắt giảm xuống 0% vào 2015 sẽ tác động mạnh góp phần gia tăng kim ngạch nhập khẩu và xu hướng dịch chuyển thương mại sang các nước ASEAN, trong khi kim ngạch xuất khẩu không có nhiều cơ hội gia tăng đột biến dưới tác động của tự do hóa thuế quan do các nước ASEAN 6 đã cắt giảm hoàn toàn thuế quan dành cho Việt Nam xuống 0% từ năm 2010.
Thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam
Nhìn chung, tự do hóa thương mại trong ATIGA đã đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn sản xuất trong nước. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2018 sẽ có nhiều tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan càng đến gần, tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các doanh nghiệp và hàng xuất khẩu Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm.
Từ năm 2015, các Hiệp định thương mà Việt Nam cam kết nói chung và Hiệp định ATIGA nói riêng sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu. Tới thời điểm năm 2018, khi 7% số dòng thuế trong ATIGA cắt giảm xuống 0% (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng), những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao và sâu rộng bao gồm: ô tô, động cơ phụ tùng ô tô, xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô, máy điều hòa, máy làm lạnh, vô tuyến, tàu thuyền.
Đáng lưu ý là sức ép từ hội nhập khu vực đã gõ cửa ngành ô tô trong nước. Chính phủ đã duy trì mức bảo hộ cao trong nhiều năm qua với chiến lược xây dựng một ngành công nghiệp ô tô trong nước có đủ sức cạnh tranh với khu vực. Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã được duy trì ở mức rất cao từ 100 - 150% trong vòng 2 thập kỷ qua để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước. Thực hiện cam kết ATIGA thuế nhập khẩu ôtô đã bắt đầu cắt giảm từ năm 2012, cắt giảm xuống 70% vào năm 2012, 50% vào năm 2014 và sẽ cắt giảm hoàn toàn xuống 0% vào năm 2018.
Điều đó có nghĩa là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất ít thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh trước sức ép hiện hữu của các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN khi thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc xuống 0%. Đây là một mối lo thực sự đối với dòng xe lắp ráp trong nước. Ngành công nghiệp Việt Nam đã hình thành được hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa thu được thành tựu gì đáng kể, chính vì vậy nếu ngành ô tô không chuẩn bị kỹ các biện pháp cho giai đoạn 2014-2018 thì việc xóa bỏ thuế suất theo cam kết ATIGA sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước khó cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm với các quốc gia trong khu vực khác.
Bên cạnh đó, ngành lắp ráp điện tử trong nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thuế suất ATIGA đối với nhóm hàng này được cắt giảm xuống 0% từ 2012. Mặt hàng máy tính nguyên chiếc với mẫu mã đẹp, giá thành thấp từ các nước ASEAN được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam đã tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Phải nhập khẩu linh kiện, giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp khó có thể ngang bằng so với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc.
Từ đó, các doanh nghiệp phải chuyển hướng sản xuất kinh doanh, thu hẹp quy mô sản xuất. Thậm chí một số doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phải ngưng sản xuất. Ngoài ra, do mức chênh lệch giữa sản xuất lắp ráp trong nước và sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN không lớn, một số nhà đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử, công nghệ thông tin ở Việt Nam đã sử dụng ưu thế này chuyển từ hình thức liên doanh sang 100% vốn sở hữu, chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu và phân phối sản phẩm.
Ngành dầu thực vật trong nước cũng đang bị hàng ngoại nhập chèn ép khiến thị phần tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến sản xuất ngưng trệ, gây lãng phí đầu tư. Điều đó cho thấy, hàng hóa trong nước đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh trước xu hướng hàng ngoại ồ ạt tràn vào. Một trong những nguyên nhân khiến lượng dầu ăn nhập khẩu tăng nhanh là do mức thuế dành cho dầu thực vật tinh luyện và thô giảm lần lượt từ 5% và 3% xuống còn 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN.