Lo về "lượng", mừng về "chất"
(Tài chính) Không có nhiều niềm vui đối với kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nửa đầu năm 2014, khi nguồn vốn này không tăng, mà có xu hướng giảm so với năm trước. Tuy nhiên, điểm an ủi là kết quả giải ngân vốn FDI là tương đối tốt so với những năm trước. Những điều đó cho thấy "khoảng lặng" trong thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm chỉ có tính thời điểm. Vốn FDI sẽ tăng trở lại, cùng với đà hồi phục kinh tế.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/5/2014, tổng vốn FDI chỉ đạt hơn 5,5 tỷ USD, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013. Số vốn này chia nhỏ cho 500 dự án mới, với tổng vốn đăng ký gần 3,67 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra là 167 lượt dự án tăng vốn đầu tư, với tổng vốn 1,84 tỷ USD, giảm 53,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho đến thời điểm này của năm 2014, không có dự án FDI nào có tổng vốn trên 1 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Trong khi cùng thời điểm này của năm 2013, có đến 4 dự án tỷ USD công bố đầu tư vào Việt Nam.
Đăng ký giảm mạnh
Vốn FDI đổ vào Việt Nam giảm mạnh và thiếu vắng những dự án đầu tư lớn dường như là ngoài dự liệu của các cơ quan quản lý và các chuyên gia kinh tế, sau năm 2013 chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của dòng vốn FDI.
Hồi đầu năm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã từng kỳ vọng sắp hoàn tất đàm phán với một số dự án lớn để ký kết trong năm 2014. Đồng thời nhiều ý kiến dự báo khẳng định việc thu hút FDI năm 2014 và 2015 sẽ thuận lợi hơn năm 2013, nhờ kinh tế vĩ mô trong nước đã và đang dần ổn định.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu đầu tư của vốn FDI, thì có thể yên tâm hơn. Vì công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được các nhà đầu tư lựa chọn. Có đến 254 dự án đầu tư trong 5 tháng đầu năm 2014 là vào ngành này, với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 3,92 tỷ.
Các dự án FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 50,4% về số lượng và gần 71,2% về tổng số vốn đầu tư là điều đáng mừng, vì nhờ thế chất lượng đầu tư sẽ được nâng lên, thay vì các nguồn FDI "rót" vào bất động sản, hay xây dựng.
Điều đáng mừng nữa là vốn đầu tư FDI từ các nước phát triển hàng đầu như Hàn Quốc, Nhật vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tổng vốn đầu tư. Trong đó, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm cho các dự án từ Hàn Quốc đạt 1,31 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư 5 tháng đầu năm. Kế tiếp là Hồng Kông với gần 630 triệu USD, thứ ba là Nhật Bản với 588,6 triệu USD.
Mặt khác, sụt giảm thu hút FDI đang có chậm dần. Vì đến hết quý I/2014, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và bổ sung chỉ là 3,334 tỷ USD, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, mới có 252 dự án được cấp phép, với số vốn đăng ký đạt 2,045 tỷ USD, giảm 6% về số dự án và giảm 38,6% về số vốn so năm trước. Ngoài ra là 82 lượt dự án tăng vốn, với tổng số tăng thêm đạt 1,29 USD.
Nhưng sau 2 tháng đầu năm sụt giảm mạnh, tốc độ thu hút FDI đã tăng trở lại với việc thu hút được khoảng 1,79 USD, cao hơn cả 2 tháng trước đó cộng lại, dù vẫn giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng chất lượng tăng
Dù vốn FDI sụt giảm về con số tuyệt đối, nhưng bù lại, kết quả giải ngân dòng vốn này lại đạt tốt hơn so với cùng kỳ những năm trước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, ước thực hiện giải ngân vốn FDI trong 5 tháng đầu năm là 4,6 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến 6 tháng, ước số giải ngân đã tăng lên thành 5,75 USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy là tốc độ giải ngân đã bắt đầu tăng tốc khá nhanh cả về tốc độ và tỷ lệ so với cùng kỳ năm trước. Và điều đó là một chỉ dấu cho thấy các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định, kết quả giải ngân vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2014 là khá tốt, có tính ổn định. Nếu tiếp tục duy trì khả năng giải ngân vốn này, thì mục tiêu giải ngân khoảng 11 USD trong năm 2014 sẽ đạt được.
Bên cạnh đó, kết quả xuất nhập khẩu của các DN FDI tiếp tục tăng đều, ổn định. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) của khu vực FDI trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 47,82 USD (gồm cả dầu thô), chiếm 67,5% kim ngạch XK cả nước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương ứng, kim ngạch nhập khẩu (NK) của khu vực các DN FDI ước đạt 39,29 tỷ USD, chiếm 56,5% kim ngạch NK cả nước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, khối các DN có vốn FDI đã xuất siêu 8,52 tỷ USD. Nói cách khác là hiệu quả hoạt động của các DN FDI đang ngày càng tăng mạnh, vượt xa hiệu quả hoạt động của các DN trong nước. Đồng thời, vai trò của các DN FDI đã chiếm vị trí quyết định trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, dự kiến trong 3 năm 2014 - 2016, vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh do kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tốt hơn ở mức là 3% và 3,3%.
Đồng thời, sau nhiều năm vật lộn với khủng hoảng, kinh tế Việt Nam đang ổn định, hồi phục, tạo lập được niềm tin và sức hấp dẫn với các NĐT nước ngoài.
Bên cạnh đó, quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định tự do thương mại với EU của Việt Nam đang dần đi đến kết quả cuối cùng, với khả năng ký kết ngay trong năm 2014.
Do thế, các NĐT nước ngoài không muốn bỏ lỡ cơ hội ưu đãi về thuế quan khi có sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam XK vào các thị trường cam kết trong hiệp định.