Loạn rao bán nhà đất: Làm sao ngăn chặn?
Chuyện tin giả hay rao một đằng bán một nẻo đã được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhiều lần cảnh báo.
Trong khi tình trạng loạn rao bán bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh thời gian qua vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm thì gần đây, giới địa ốc được phen cười ra nước mắt với hàng loạt tin rao bán đất nền với giá rất rẻ ở những vị trí "nhạy cảm" như Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh (quận Bình Thạnh) hay khu quân đội ở đường Thành Thái (quận 10) và mới đây là tin rao bán đất khu vực đang triển khai dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (quận 3) do TP. Hồ Chí Minh giao Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư. Thực chất, tất cả những tin rao bán này đều là giả, mục đích chính của các đối tượng là để thu hút khách hàng và chiêu dụ họ mua đất nền ở tỉnh, thậm chí là đất ở các dự án ma.
Thực tế, chuyện tin giả hay rao một đằng bán một nẻo đã được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhiều lần cảnh báo. Hội từng làm thống kê cho thấy có đến 90% thông tin đăng trên các website mua bán bất động sản là sai sự thật. Điều này không chỉ ảnh hưởng uy tín của các website mua bán nhà đất mà còn làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. "Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều về việc phải kiểm soát nhân viên môi giới đăng tin bằng mã số hành nghề. Nếu ai không có mã số sẽ không được phép đăng tin, còn ai có mã số mà đăng sai phải chịu trách nhiệm, bị xử lý như rút thẻ, phạt…" - một lãnh đạo hội góp ý.
Đại diện một website rao vặt bất động sản thừa nhận dù ban quản trị có đội kiểm soát nhưng với cả ngàn tin mỗi ngày chắc chắn phải có thông tin sai sót. Để hạn chế tin giả, website này đã đưa thêm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào để thẩm định, lọc về giá trung bình, lọc theo khu vực, nếu thấy những thông tin bất hợp lý sẽ loại ra. Hệ thống cũng kiểm tra số điện thoại người đăng xem có thật hay không trước khi cho đăng tin rao bán…
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), đề nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng đăng thông tin sai sự thật với mục đích chiêu dụ khách hàng mua đất ở một khu vực khác hoặc lừa đảo. "Pháp luật đã quy định rõ nếu ai thông tin sai sự thật, phát sinh hậu quả thì phải bị phạt tiền, nghiêm trọng hơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Riêng các các trang web đăng tin mua bán cũng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin đăng trên website của mình. Nhà nước cần có quy định nếu đơn vị đăng thông tin sai cần xử lý, xử phạt, thậm chí đóng trang web…" - chủ tịch HoREA kiến nghị.
Tuy vậy, theo ông Châu, điều quan trọng nữa là chính quyền các địa phương cần công bố rộng rãi quy hoạch, công bố thông tin các dự án đang triển khai, đủ điều kiện pháp lý mở bán tại địa phương mình. Còn người dân có nhu cầu đầu tư bất động sản phải tỉnh táo, đừng hám lợi khi đọc thông tin về rao bán nhà đất trên mạng với vị trí tốt nhưng giá quá rẻ. Không nên tin lời đi theo các đối tượng ra khỏi khu vực ban đầu họ quảng cáo để tránh bị sụp bẫy. "Không có món đầu tư hời nào mà chụp giật, chèo kéo khách hàng bằng mọi cách như vậy" - ông Châu nói.