Lọc cơ hội cổ phiếu có sóng kết quả kinh doanh quý III
VN-Index về dưới 900 điểm, nằm trong kịch bản mong muốn của nhiều nhà đầu tư để có cơ hội tìm được điểm mua an toàn trước khi bước vào những ngày cao điểm đón tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp.
Lọc tìm cơ hội
Ông Trần Văn Chinh, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và đầu tư 584.7, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán, với giá trị tài khoản duy trì trung bình khoảng 30 tỷ đồng nhận xét, ở thời điểm này, điểm số VN-Index tương đối cao nhưng vẫn còn nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ có triển vọng kinh doanh thích hợp để đầu tư trung và dài hạn.
Ông Chinh thích những cổ phiếu như PXS (của Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí), KSB (của Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương), LPB (của Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt), do doanh nghiệp có câu chuyện riêng.
Với PXS, Công ty có thế mạnh về lắp ghép kết cấu kim loại, lại có xưởng thi công sát cảng, thích hợp cho vận tải cấu kiện siêu trường, siêu trọng.
Năm ngoái, Công ty trích lập dự phòng hết nên lỗ hai năm liên tiếp đến gần 300 tỷ đồng, giá cổ phiếu có lúc xuống 2.000 đồng giờ mới tăng lại 5.000 đồng/cổ phiếu.
“Quý III chắc sẽ có lãi tốt hơn quý trước, do triển vọng hợp đồng ký mới thi công dự án điện gió rất tốt. So với mã TTF, doanh nghiệp lỗ cả nghìn tỷ đồng mà giá như thế (5.100 đồng/cổ phiếu), thì PXS lỗ vài trăm tỷ đồng, giá này ăn thua gì”, ông Chinh phân tích.
Ông cũng kỳ vọng vào việc chuyển sàn, bán cho đối tác chiến lược của Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Còn với KSB, doanh nghiệp có triển vọng từ mảng đá xây dựng và khu công nghiệp, nhất là khi nền kinh tế đi qua giai đoạn khó khăn của đại dịch, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ tập trung cho đầu tư để thúc tăng trưởng mạnh lên.
Là nhà đầu tư chuyên nghiệp, năm nào ông Chinh cũng đi dự đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp mà ông nắm giữ cổ phiếu, đặt câu hỏi chất vấn và trao đổi riêng với các doanh nghiệp. “Tôi đầu tư kỳ vọng lãi bằng lần, ít cũng phải hàng chục phần trăm mới đáng”, ông Chinh chia sẻ.
Chiến lược đầu tư mà ông theo đuổi đang phù hợp với thị trường giai đoạn này, bởi nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cũng tư vấn cho khách hàng của mình như vậy.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI cho biết, nhóm cổ phiếu nằm trong danh sách phân tích của SSI (đại diện 88% vốn hóa thị trường) có ước tính lợi nhuận năm 2020 giảm 20,5%, đảo chiều với mức tăng trưởng 19,4% trong năm 2019.
Tuy nhiên, năm 2021, nhóm này sẽ tăng trưởng dương 23,5% so với 2020. Thị trường đang giao dịch với chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) 2020 và 2021 lần lượt là 16,8 lần và 13,6 lần, cao hơn mức 15,2 lần và 12,1 lần vào thời điểm cuối tháng 7.
Nhìn theo phân tích kỹ thuật, bà Phương cho rằng, vùng 900 điểm được đánh giá là vùng kháng cự mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, do áp lực bán cao và thường trực khi khối lượng giao dịch đã tạo đỉnh lịch sử với hơn 2,7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trong tuần giữa tháng 6 tại vùng đỉnh này.
Điều này cũng hàm ý rằng, vùng 900 điểm là vùng cản tâm lý rất lớn, nếu VN-Index vượt qua một cách thuyết phục, sẽ tạo sức bật cho thị trường sau đó.
Trong tháng 9, trên nền tảng cơ bản, SSI khuyến nghị nhà đầu tư bám sát các câu chuyện thị trường đang ưa chuộng và tận dụng các vùng giá thấp để tích lũy các cổ phiếu.
So bó đũa chọn cột cờ
Cho đến thời điểm này, triển vọng kinh doanh của nhiều nhóm ngành không khó dự báo và không còn quá bất ngờ với nhà đầu tư thạo tin. Vấn đề là nhà đầu tư chọn được cổ phiếu có sức bật tốt nhất trong ngành hay không, bởi khó có sóng cổ phiếu ngành tăng đồng loạt như nửa đầu năm.
Trong nhóm chứng khoán, mã VCI tăng giá 21% chỉ từ tuần cuối tháng 8 và tăng 30% trong 1 tháng qua nhờ kết quả lợi nhuận tốt và cổ đông nội bộ cùng quỹ đầu tư mua vào.
Các mã HCM, SSI, FTS… ghi nhận tăng giá từ 7-10% từ tuần cuối tháng 8 đến nay. Điều này phản ánh thanh khoản tốt của thị trường trong tháng 8 và số tài khoản mở mới tại các CTCK tiếp tục tăng.
Tháng 8, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE là 5.230 tỷ đồng/ngày, tăng 11,9% so với mức 4.675 tỷ đồng/ngày của tháng 7 và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị giao dịch qua kênh khớp lệnh cải thiện đáng kể, với mức tăng 14,6% và 45,8% so với 2 tháng vừa qua.
Ở quy mô toàn thị trường, thanh khoản cũng cải thiện rõ rệt với tăng trưởng giá trị giao dịch 20,6% so với tháng trước và 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thanh khoản tích cực có tác động tích cực đến các mảng kinh doanh của CTCK, từ môi giới tới cho vay margin.
Ngoài ra, danh mục tự doanh của CTCK với diễn biến thị trường tích cực trong tháng 8 sẽ đạt mức tăng trưởng tốt, từ đó kỳ vọng cả quý III, khối doanh nghiệp này có kết quả tích cực.
Trong ngành thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, một số doanh nghiệp vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt trong giai đoạn đại dịch bùng phát như DBC, TAC.
Tuy nhiên, giá các cổ phiếu này tăng quá nóng, nên nếu điều chỉnh sâu sẽ là cơ hội để nhà đầu tư mua với giá an toàn hơn, đón kết quả quý III và mùa kinh doanh cuối năm.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc môi giới CTCK KIS Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM đánh giá, bất động sản khu công nghiệp là điểm nóng trong quý III và cả năm 2020.
Trong nửa đầu năm 2020, nhiều công ty có kết quả tăng trưởng còn tốt hơn so với cùng kỳ, ngay cả trong bối cảnh giãn cách xã hội, các chuyên gia, đoàn khảo sát của nhiều tập đoàn chưa thể qua Việt Nam để thương thảo, tìm kiếm địa điểm để đầu tư nhà máy, kho bãi tại Việt Nam. Dự báo, lợi nhuận quý III của doanh nghiêp ngành này vẫn tiếp tục tích cực.
Tuy nhiên, ông Phương nhấn mạnh, dòng tiền sẽ ưu tiên vào doanh nghiệp còn quỹ đất sạch, hoặc những doanh nghiệp ký các hợp đồng thuê mới theo giá hiện nay, hoặc các doanh nghiệp dự kiến ghi nhận doanh thu bất thường.
Với nhóm xuất khẩu, trọng tâm là khối doanh nghiệp thuỷ sản, dệt may, nhóm này được kỳ vọng hưởng lợi nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đồng thời nhu cầu đặt hàng phục hồi khi các nước giỡ bỏ giãn cách.
Tuy nhiên, ngay trong quý III thì chưa kỳ vọng gì nhiều. Sẽ chỉ có một vài doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nổi trội trên nền bức tranh chung còn nhiều khó khăn của ngành.
Trên TTCK, cổ phiếu đầu ngành VHC của Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn đã tăng 7% trong tuần qua và 12% trong 1 tháng qua. Các CTCK có đánh giá tích cực hơn với VHC nhờ triển vọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng như kỳ vọng giá bán trung bình sẽ tăng dần từ nửa cuối năm 2020.
Trong lĩnh vực dệt may, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu đa dạng được đánh giá sẽ duy trì tình hình hình kinh doanh ổn định.
CTCP Dệt may Đầu tư và thương mại Thành công (TCM) mới đây có báo cáo lãi trước thuế 8 tháng là 161 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch năm; Công ty cổ phần TNG thông báo doanh thu 3.058 tỷ đồng, giảm nhẹ 3%. Đến nay, TNG đã ký hợp đồng cơ bản đủ hàng sản xuất hết quý IV/2020 và tiếp tục nhận đơn đặt hàng nửa đầu năm sau.
Săn tìm “sức sống mới”
Câu chuyện của PXS hay TTF mà ông Chinh nói đến, hay đà tăng giá của HQC sau đại hội đồng cổ đông là minh chứng cho xu hướng đầu tư săn tìm “sức sống mới” của dòng tiền trên thị trường.
Nhà đầu tư ưa thích lựa chọn những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khó khăn, thậm chí thua lỗ nặng kéo dài và giá cổ phiếu liên tục giảm trong chu kỳ dài hai ba năm.
Khi cổ phiếu đã ở vùng đáy rất thấp là lúc công ty đi qua thời kỳ khó khăn nhất, bắt đầu củng cố hoạt động kinh doanh để đi lên.
Giám đốc một công ty trong ngành dầu khí tiết lộ, ảnh hưởng của những biến cố nhân sự từ Tập đoàn Dầu khí đã qua đi và các dự án lớn bắt đầu khởi động trở lại.
Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành khởi động hợp đồng, nguồn công việc mới. Sức sống mới được kỳ vọng trở lại với nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí dù có thể không “hoành tráng” như trước.
Với những doanh nghiệp có câu chuyện tích cực đã được truyền đi trên các diễn đàn thì kết quả kinh doanh quý III được chờ đợi như là sự kiểm chứng, xác nhận kỳ vọng. Các nhà đầu tư thạo tin đã lướt vài vòng trên những cổ phiếu này.
Nhìn trên toàn thị trường, kết quả kinh doanh quý III khó mang đến những bất ngờ, nhưng là con số được mong chờ để nhà đầu tư đánh giá khả năng về đích năm nay của các doanh nghiệp. Cổ phiếu sẽ được định giá lại khi có dữ liệu quý III, để xác định mục tiêu đầu tư cho đến cuối năm.