Logistics và thương mại điện tử: Giải pháp duy nhất là liên kết
Thương mại điện tử và dịch vụ logistics liên kết với nhau sẽ giúp thông suốt quy trình xuất khẩu, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy vậy, doanh nghiệp trong hai lĩnh vực này vẫn chưa đồng hành với nhau.
Liên kết lỏng lẻo
Thương mại điện tử đang là xu thế chủ đạo của nền thương mại toàn cầu. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử và tốc độ này có thể được duy trì tới năm 2020. Điều này mở ra cơ hội lớn cho dịch vụ logistics. Chủ tịch Liên minh hỗ trợ xuất khẩu Trần Đình Toản cho rằng thương mại điện tử và dịch vụ logistics liên kết với nhau sẽ giúp thông suốt quy trình xuất khẩu, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, những gì diễn ra trong thực tế khác xa mong đợi. Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc biệt là chưa liên kết chặt chẽ để phục vụ khách hàng, chỉ đáp ứng được các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Dưới góc độ là doanh nghiệp thương mại điện tử đang sử dụng dịch vụ logistics, Giám đốc Lazada Express Vũ Đức Thịnh “phàn nàn” rằng phương tiện vận chuyển ở nước ta không đa dạng, không tăng trưởng kịp với sản lượng hàng hóa, giá thành cao, lại thiếu nhân lực có trình độ và kinh nghiệm.
Các dịch vụ hỗ trợ e-logistics còn thiếu, chưa áp dụng được nhiều yếu tố công nghệ. Đặc biệt, riêng với thương mại điện tử, chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm khoảng 30% doanh thu. Đây là tỷ lệ rất cao so với các ngành nghề thương mại truyền thống và so với một số quốc gia khác, như Ấn Độ chỉ chiếm 5 - 15% (2017), Mỹ 11,7% và Trung Quốc 12%.
Cũng gặp khó khăn tương tự, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ Nguyễn Quang Thuật chia sẻ: trong chuỗi dịch vụ logistics thì vận chuyển được coi là xương sống của thương mại điện tử nhưng hiện nay, chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp logistics còn khá cao. Cùng với đó, Việt Nam vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt cho các giao dịch, dễ gây ra những rủi ro, đặc biệt khi lượng tiền các doanh nghiệp logistics phải thu hộ doanh nghiệp thương mại điện tử quá cao.
Xây dựng niềm tin
Trước thực tế đó, Tổng Giám đốc Giaohangnhanh Nguyễn Trần Thi cho rằng liên kết là giải pháp căn cơ nhất hiện nay. “Các doanh nghiệp phải hiểu rằng, logistics cho thương mại điện tử đang trong giai đoạn đầu. Đây là cơ hội để tham gia cuộc chơi lớn và phải nhìn ra được các giải pháp về lâu dài chứ không chỉ nhìn vào lợi ích nhỏ trước mắt và liên kết là giải pháp duy nhất”, ông Thi nhấn mạnh. Ông gợi ý, các hình thức liên kết có thể là các doanh nghiệp dịch vụ logistics lớn yêu cầu doanh nghiệp logistics nhỏ hơn tích hợp vào hệ thống.
Khi các bên ngồi lại và đưa ra giải pháp tổng thể từ kho bãi, lưu chuyển hàng hóa, đưa ra quy trình chuẩn sẽ giúp giảm chi phí, trong khi cung cấp được các dịch vụ tổng thể, khép kín và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, rào cản khiến doanh nghiệp khó hợp tác là do thiếu niềm tin, sợ các đối tác không đáp ứng được các nhu cầu mong muốn, sợ mất khách hàng… Thực tế đã cho thấy có nhiều sự cố rất dễ gặp phải khi giao dịch qua mạng ở bất cứ đâu. Do đó theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất với các giao dịch thương mại điện tử là phải giữ được uy tín, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Niềm tin phải được tạo dựng từ chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng chính xác, chất lượng phục vụ của người chuyển hàng. Việc này doanh nghiệp thương mại điện tử không thể tự xây dựng được mà còn cả sự chung tay của doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp kinh doanh trên ứng dụng thương mại điện tử.
Lý giải rõ hơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa cho hay, các doanh nghiệp logistics đều đang không ngừng cố gắng cải thiện dịch vụ, tuy nhiên để đáp ứng tốt nhất tất cả những yêu cầu của doanh nghiệp thương mại điện tử thì không đơn giản.
Việc doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam liên kết với doanh nghiệp dịch vụ logistics theo hướng “ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau”, tận dụng những điểm mạnh của nhau để tạo ra dịch vụ trên nền tảng dịch vụ có sẵn của các bên sẽ góp phần giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, giảm phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp các bên phải chủ động trong công việc của mình, chứ không chỉ ngồi chờ Chính phủ tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, nền tảng pháp lý phù hợp và hài hòa.