Lợi bất cập hại khi tái xuất thuốc lá lậu
Tác hại lớn, song với lợi nhuận cao, có sức hút mạnh từ thị trường, nên dù các lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp với tính chất, quy mô ngày càng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân chính gây ra khó khăn trong việc thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu và có thể dẫn đến nguy cơ thẩm lậu cao.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chỉ trong gần 4 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã kiểm tra, bắt giữ 1.839 vụ vận chuyển, buôn lậu thuốc lá, thu giữ 1,2 triệu bao, khởi tố hình sự 4 vụ.
Mới đây Chính phủ ban hành văn bản 3825/VPCP-V.I dự kiến cho thí điểm tái xuất, bán đấu giá thuốc lá nhập lậu còn chất lượng. Ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, đối với tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra phức tạp với tính chất, quy mô ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì việc tái xuất sẽ gây nguy cơ thẩm lậu cao, khiến Nhà nước tiếp tục thất thu ngân sách.
Thực tế trước đây, đề xuất tái xuất thuốc lá nhập lậu từng được thực hiện theo Quyết định số 1112/QĐ-TTg ngày 21/8/2012. Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm, thực tế đã cho thấy phương án này có quá nhiều bất cập trong cả khâu kiểm soát và thực hiện. Việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian. Thực tế cho thấy hầu hết thuốc lá nhập lậu không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu.
Bên cạnh đó, việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đòi hỏi phải có số lượng lớn, trong khi có những trường hợp tịch thu thuốc lá nhập lậu với lượng ít, trường hợp này phải cần có nơi cất và bảo quản thuốc lá để đợi khi có đủ số lượng mới thực hiện tái xuất hoặc bán đấu giá. Như vậy, không những tốn chi phí kho chứa, tại nhiều địa phương do không có kho bảo quản nên sản phẩm dễ hư hỏng.
Cho ý kiến đối với dự thảo quyết định mới về tái xuất, tại văn bản số 4327/BCT-PC của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan quy định cụ thể về việc giám định, kiểm định chất lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thực hiện việc giám định, kiểm định chịu trách nhiệm về kết quả giám định, kiểm định, thời hạn quy trình giá định.
Do vậy, nhằm xác định rõ thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là còn chất lượng để có thể bán đấu giá tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất cần phải thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng.
Cần quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm
Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 và điều 22 Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định, thuốc lá được bán hợp pháp phải in cảnh báo sức khỏe bằng cả hình ảnh và chữ, cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá, dán tem mã số, mã vạch... Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay hầu hết các chủng loại thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam đều không đáp ứng, tuân thủ đầy đủ quy định nêu trên.
Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi, khi đấu giá để tiêu thụ trong nước, thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu có được tính giá khởi điểm bao gồm các loại thuế, quỹ rất cao gồm thuế nhập khẩu 135%, thuế tiêu thụ đặc biệt 70%, khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 1,5% như thuốc lá trong nước và thuốc lá nhập khẩu hợp pháp không? Ông Cương cho rằng, nếu không tính như vậy sẽ có sự bất cập về mặt pháp lý và độ chênh lệch rất lớn giữa thuốc lá nhập lậu và thuốc lá hợp pháp trong nước. Chưa kể ngân sách nhà nước cũng sẽ bị thất thu đáng kể (khoảng 10.000 tỷ đồng/năm) và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.
Theo quy định Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012 cũng như hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, hiện không có quy định về việc tái xuất đối với sản phẩm thuốc lá ngoại nhập lậu. Về vấn đề này, theo chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá - Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Nguyễn Tuấn Lâm, nếu xuất khẩu thì phải có đơn vị đứng ra bảo đảm nguồn gốc các sản phẩm thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ; đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Hiện nay đa số các sản phẩm thuốc lá của các nước đều có cảnh báo bằng chữ hoặc hình ảnh, trong khi đó, các sản phẩm nhập lậu lại không đáp ứng các tiêu chí này. Như vậy, việc tái xuất đi đâu rất khó xác định. Theo đề xuất của Bộ Công thương, đối với việc thí điểm tổ chức bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu, cần có quy định cụ thể về các điều kiện bảo đảm phù hợp với Điều 15 của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đối với trường hợp cho phép tiêu thụ trong nước.