Lợi ích và khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng TWI
Mô hình nhóm huấn luyện (TWI) đem lại cho doanh nghiệp những giá trị thực tiễn trong tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp khi áp dụng là thay đổi tư duy, thói quen của người lao động.

Sử dụng tối đa nguồn nhân lực, nâng cao chuyên nghiệp
TWI là chương trình đào tạo các kỹ năng quản lý thiết yếu dành cho cấp quản lý, giám sát đội nhóm. Công cụ này sẽ đem lại cho doanh nghiệp những giá trị thực tiễn như: Chuẩn hóa tay nghề, tăng năng suất, chất lượng, giảm thời gian đào tạo, làm việc an toàn hơn, cải thiện tinh thần làm việc và giải quyết vấn đề hiệu quả.
Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình TWI. Tiêu biểu có thể kể đến Công ty xuất nhập khẩu Dung Quất (Quảng Ngãi), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Phát (TP. Hồ Chí Minh)...
Trước khi áp dụng TWI, Công ty xuất nhập khẩu Dung Quất phải đối mặt với những khó khăn đặc thù chung của ngành gỗ và các vấn đề liên quan đến sản xuất như: Hao phí gỗ nguyên liệu, tỷ lệ sai lỗi, biến động về mặt nhân sự, chênh lệch về tay nghề, đặc biệt là chất lượng sản phẩm không đồng đều. Chỉ khoảng 8 tháng áp dụng TWI, Công ty xuất nhập khẩu Dung Quất đã đạt những kết quả rất tích cực, giải quyết được hơn 80% khó khăn phát sinh tại doanh nghiệp.
Tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Phát - doanh nghiệp hoạt động trong ngành khuôn mẫu và nhựa tại Việt Nam, việc áp dụng TWI cũng giúp Công ty sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có và nâng cao tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả của tổ chức.
Điều này thông qua việc giúp người lao động hiểu rõ hơn về công việc, nắm vững hơn về chuyên môn, nghề nghiệp của mình và thực hiện chức năng nhiệm vụ một cách tự giác với thái độ tốt hơn, cũng như nâng cao khả năng thích ứng của họ với các công việc trong tương lai.
Có thể khẳng định, việc áp dụng TWI tại Vĩnh Phát đã giúp Công ty sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có và nâng cao tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả của tổ chức. Thông qua việc trang bị kỹ năng, kinh nghiệm cho học viên giúp các học viên có kỹ năng chỉ dẫn việc cho người khác nhanh chóng làm một công việc đúng cách, an toàn, tận tâm, có thể tham gia sản xuất ngay.
Doanh nghiệp cũng xây dựng được hệ thống tài liệu đào tạo, xác định được các kỹ năng, công việc cần đào tạo và thiết lập các bảng phân tích công việc; đánh giá trình độ kỹ năng của người lao động từ đó có kế hoạch đào tạo chủ động và phù hợp.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng triển khai đồng bộ các hoạt động cải tiến phương pháp làm việc đã giúp giảm các tổn thất, lãng phí, cải thiện môi trường làm việc. Kết quả bất ngờ đem lại là chỉ số chất lượng sản phẩm luôn được duy trì ở mức cao với tỷ lệ hàng lỗi dưới 3% và tỷ lệ phế phẩm trong khoảng 1%.
Doanh nghiệp đối mặt khó khăn gì?
Thời gian qua, bên cạnh những thành công đạt được, thực tế triển khai mô hình TWI, không ít doanh nghiệp vẫn gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại do thói quen làm việc, trình độ của công nhân.
Các chuyên gia năng suất, chất lượng chỉ ra, thực tiễn cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là thay đổi tư duy và thói quen của người lao động. Công nhân thường làm theo thói quen và cảm thấy gò bó khi công ty đưa vào một quy trình chuẩn hóa.
Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì áp dụng và có sự giám sát liên tục, đồng thời cùng với sự giám sát và trao đổi thường xuyên của các cấp lãnh đạo, công nhân tại nhiều doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, ngày càng hợp tác, phát triển tốt hơn.
Cùng với đó, việc triển khai các hoạt động cải tiến phương pháp làm việc đã giúp doanh nghiệp giảm các tổn thất lãng phí, giảm tỷ lệ tai nạn; giảm sự lệ thuộc vào thợ lành nghề, nhân viên kinh nghiệm lâu năm, rút ngắn thời gian đào tạo nhân viên mới.
Chỉ số chất lượng sản phẩm luôn được duy trì ở mức cao đã tạo nên một môi trường làm việc giữa công nhân và người lãnh đạo có tinh thần hợp tác, đoàn kết, gia tăng sự hài lòng trong công việc, gắn bó tích cực hơn. Người công nhân làm việc theo quy trình được chuẩn hóa và an toàn...