Lợi nhuận ngân hàng: Phải tính đúng, tính đủ
Tuần qua, một số ngân hàng thương mại (NHTM) như VIB, Nam A Bank đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2019...
Mùa đại hội bắt đầu với những vấn đề không mới: chia cổ tức thế nào; thay đổi về nhân sự; kế hoạch, phương án tăng vốn điều lệ; tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược; kế hoạch lên sàn… Song, nói vậy cũng chưa thật chính xác. Vì tuy đầu việc không có gì mới nhưng, tùy bối cảnh lịch sử lẫn hiện tại của mỗi ngân hàng, mùa đại hội nào cũng có những vấn đề nóng, điểm nóng. Có lẽ một trong những vấn đề được đông đảo nhà đầu tư, dù lớn hay nhỏ quan tâm nhất vẫn là lợi nhuận năm qua của ngân hàng sẽ được xử lý thế nào và kế hoạch, mục tiêu lợi nhuận năm 2019.
Bầu không khí lạc quan đang bao trùm dù rất ít NHTM công bố kế hoạch chia cổ tức. Bởi, theo kết quả kinh doanh của các TCTD năm 2018 phần lợi nhuận rất khả quan. Những NHTM dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 có thể kể đến: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VPBank, MBBank, Agribank, VietinBank, ACB, HDBank, VIB.
So với kết quả kinh doanh 2017 trên toàn hệ thống, đứng đầu vẫn là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế lên tới hơn 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 60% so với năm 2017. Techcombank vượt qua ba NHTM Nhà nước khác để vươn lên vị trí á quân với lợi nhuận trước thuế 10.661 tỷ đồng. Giữ vững phong độ, BIDV tiếp tục đứng thứ ba với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 9.625 tỷ đồng. Ngoài những ngân hàng kể trên, câu lạc bộ NHTM có lợi nhuận ngàn tỷ còn có thể kể đến Sacombank, Eximbank, LienVietPostBank, SHB, TPBank...
Công bằng mà nói, đây là những “quả ngọt” ban đầu khi TCTD đã rất nỗ lực trong thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu những năm gần đây. Cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng được dịch chuyển tích cực sang mảng phi tín dụng - như định hướng bấy lâu họ theo đuổi.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: Phương châm hoạt động của Vietcombank theo định hướng mua buôn bán lẻ với ba trụ cột là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư. Tín dụng tăng trưởng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; vốn huy động từ các nguồn giá rẻ tăng mạnh (vốn bán buôn) giúp ngân hàng giảm chi phí huy động vốn và gia tăng hiệu quả hoạt động.
Còn theo bà Trần Thị Minh Lan - Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển Techcombank, 60% doanh thu của Techcombank hiện là thu nhập từ lãi, 22% nguồn thu đến từ thu nhập từ phí (doanh thu ngoài lãi) như phí sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Từ những con số trên, nhà đầu tư lạc quan gọi mùa đại hội năm nay là mùa chia cổ tức. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn của các TCTD năm nay là phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động kinh doanh. Do đó, đến giờ nhiều NHTM vẫn đang cân nhắc, tính toán cẩn trọng phương án sử dụng lợi nhuận 2018 như thế nào để vừa hiệu quả, lại vừa làm hài lòng các cổ đông.
Về mục tiêu lợi nhuận 2019, các TCTD cũng phải dự liệu để đưa ra con số “năm sau cao hơn năm trước” và đủ sức hấp dẫn để các cổ đông có thể mở hầu bao đầu tư thêm vào ngân hàng, nhưng cũng rất cẩn trọng khi mà mục tiêu hàng đầu của các nhà băng năm nay là tăng vốn và nâng cao chất lượng hoạt động.
Theo thông tin từ hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2019, Vietcombank sẽ tăng tổng tài sản thêm 12%, huy động vốn tăng 13%, tín dụng tăng 15%, nợ xấu dưới 1% và lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng. BIDV hiện chưa đưa ra con số cụ thể cho mục tiêu kinh doanh 2019, nhưng báo cáo tài chính kiểm toán sẽ được công bố vào ngày 31/3/2019; và dự kiến ĐHĐCĐ của BIDV sẽ diễn ra vào ngày 26/4. Theo tờ trình ĐHĐCĐ 2019, Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 11.750 tỷ đồng, giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2018 để phục vụ hoạt động kinh doanh…
Tuần qua, tại văn bản số 1968/NHNN-TTGSNH Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD triển khai một số nội dung nhằm tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu năm 2019. Trong đó, Thống đốc yêu cầu TCTD kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC…
Đặc biệt, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi. Thực hiện thoái các khoản thu lãi dự thu theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN...
Theo nội dung này có thể thấy NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu; đồng thời tính đúng, tính đủ để đưa ra con số lợi nhuận phản ánh đúng chất lượng hoạt động kinh doanh của ngân hàng.