Long An kết nối giao thương doanh nghiệp logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử
Ngày 22/11, Sở Công Thương Long An tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương doanh nghiệp logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tại hội nghị các doanh nghiệp thương mại điện tử đã trình bày các tham luận về kinh nghiệm phát triển hạ tầng logistics; chuyển đổi số trong logistics; chuyển đổi số và kho lạnh; logistics nông sản tươi;…
Long An có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và Vùng Đông Nam bộ, đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Long An hiện có 16 khu công nghiệp, 21 cụm công nghiệp đang hoạt động với gần 15.000ha đất công nghiệp có thể thu hút đầu tư; hiện có 590/1.215 doanh nghiệp FDI đang hoạt động và 12.400/16.500 doanh nghiệp DDI đang hoạt động; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 12 tỉ USD năm 2022, trong đó, xuất khẩu trên 7 tỉ USD, nhập khẩu trên 5 tỉ USD, hàng hóa giao thương trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thời gian qua, tỉnh Long An chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hình thành các nút giao đấu nối hệ thống giao thông liên vùng, kết nối các khu, cụm công nghiệp với các cảng để phục vụ phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics, thúc đẩy giao thương hàng hóa, vận tải phát triển.
Tuy nhiên, hoạt động logistics của tỉnh Long An vẫn còn những hạn chế nhất định như hình thức dịch vụ logistics của tỉnh còn đơn giản: các dịch vụ hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật,… chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện; chưa có tính liên kết cao, chi phí dịch vụ logistics chưa thực sự cạnh tranh; thương mại điện tử phát triển chưa nhiều.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp dịch vụ logistics và các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng, các doanh nghiệp thương mại điện tử đã trình bày các tham luận về kinh nghiệm phát triển hạ tầng logistics; chuyển đổi số trong logistics; chuyển đổi số và kho lạnh; logistics nông sản tươi; giải pháp vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế;…
Qua đó, đã gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho tỉnh Long An, hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu định hướng đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối với các tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và thị trường Campuchia.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Huỳnh Văn Sơn hy vọng sau hội nghị, các đơn vị sẽ cùng hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp; kết nối sử dụng dịch vụ của nhau, hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng chặt chẽ đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất khẩu.
Ông Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh Long An là “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, do vậy tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và xác định rõ thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh. Long An luôn sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế địa phương nói chung và phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế số nói riêng.