10 xu hướng của thương mại điện tử năm 2023 và những năm tới
Bán hàng đa kênh; thương mại di động; bán hàng qua livestream, mạng xã hội; thương mại xuyên biên giới đang là những xu hướng chính của thương mại điện tử.
Thương mại điện tử và kinh tế số đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company về nền kinh tế số của Đông Nam Á năm 2023 (công bố hồi đầu tháng 11/2023) cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á về quy mô nền kinh tế số với tổng giá trị hàng hóa khoảng 30 tỷ USD.
Con số này dự báo sẽ tăng đến 43 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, thương mại điện tử đang chiếm vai trò chủ lực tạo ra giá trị kinh tế số năm 2023 với 16/30 tỷ USD. Và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Chia sẻ về xu hướng của thương mại điện tử năm 2023 và những năm tới, bà Đoàn Ngọc Lan – Phụ trách Ekip – Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã nêu ra 10 xu hướng chính.
Bán hàng đa kênh duy trì vị trí đứng đầu trong xu hướng thương mại điện tử năm 2023. Khảo sát cho thấy có khoảng 56% khách hàng sử dụng smartphone nghiên cứu về sản phẩm khi đang ở trong cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, 75% người dùng sử dụng nhiều kênh khác nhau như website, mạng xã hội, cửa hàng…để mua sắm. Và khoảng 73% tiếp cận đa kênh trong suốt hành trình trải nghiệm.
“Bán hàng đa kênh là xu hướng chủ đạo trong năm 2023 và được sự báo tiếp tục là xu hướng dẫn đầu trong những năm tới”, bà Lan nhận định.
Xu hướng đứng thứ 2 là thương mại di động. Theo bà Lan, xu hướng mua hàng qua kênh smartphone đang ngày càng chiếm ưu thế. Hiện có tới 88% phương tiện truy cập Internet của người dân là điện thoại di động; 47% lượng người dùng mua hàng thông qua các ứng dụng mua sắm trên thiết bị di động.
Thương mại điện tử qua mạng xã hội (social commerce – bán hàng qua mạng xã hội) đứng thứ 3 trong xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2023 và là cũng là xu hướng chung tại nhiều nước trên thế giới. Theo Statista, doanh số thương mại xã hội toàn cầu đạt 992 tỷ USD năm 2022 và dự đoán sẽ đạt gần 3.000 tỷ USD vào năm 2026. “Thương mại điện tử qua mạng xã hội đang là “hot trend” trong năm 2023, và kéo sang những năm tới”, bà Lan nói.
Đứng thứ 4 là thương mại điện tử xuyên biên giới (CBE). Theo bà Lan, thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ trong khoảng 5 năm trở lại đây với lợi thế xóa mờ khoảng cách địa lý và việc ngày càng hoàn thiện của hệ thống giao nhận. Đây cũng sẽ là xu hướng tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tới. Theo công bố của Amazon Global Selling Việt Nam, năm 2022, đã có gần 10 triệu sản phẩm hàng Việt bán trên sàn thương mại điện tử này, tăng hơn 35% so với cùng kỳ 2021.
Đứng thứ 5 và “bùng nổ” trong thời gian gần đây đó là xu hướng bán hàng kết hợp giải trí (Shoppertainment gồm Live Selling: Bán hàng livestream; shoppable Video: Mua sắm trực tuyến tại video; trò chơi điện tử ứng dụng hóa). Shoppertainment đang là kênh khá phát triển không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Đại diện bán hàng những nền tảng này là KOLs, KOC (người có ảnh hưởng, người nổi tiếng). Xu hướng bán hàng này cũng đang chứng kiến sự canh tranh của nhiều KOLs trong nước với các KOLs nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) trong bán hàng cho người tiêu dùng Việt.
Xu hướng thương mại điện tử thứ 6 là Công nghệ AI (Chatbots, cá nhân hóa chiến dịch quảng cáo bằng cách thu thập dữ liệu khách hàng và đề xuất, dự đoán hành vi mua; chat GPT; Copy.ai; …). Một số số liệu cho thấy xu hướng thương mại điện tử sử dụng công nghệ AI đang ngày càng tăng như: Theo Oracle có tới 78% các thương hiệu đã sử dụng AI cho website thương mại điện tử; theo McKinsey, 79% chủ doanh nghiệp thương mại điện tử thừa nhận kết hợp AI với marketing và bán hàng giúp tăng doanh thu của công ty; Business Solution thống kê chi phí sử dụng AI Chatbots cho chăm sóc khách hàng giảm 30%; và theo Invesp, 37% người dùng nhấp vào đề xuất thương mại điện tử do AI điều khiển trong lần đầu ghé thăm website, đã quay lại vào ngày hôm sau.
Xu hướng thương mại điện tử tiếp theo là mua sắm trực tuyến, nhận tại cửa hàng (Buy Online Pick-up In Store – BOPIS). Đây là một trong những xu hướng mua sắm có những bùng nổ trong năm 2023 và được sự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới.
Ưu điểm của xu hướng này là khách hàng có thể đặt hàng nhanh chóng và được kiểm chứng chất lượng sản phẩm trực tiếp khi lấy hàng. Để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn xu hướng này, nhiều thương hiệu, cửa hàng đã có những chương trình khuyến mại như khi mua hàng trực tuyến đến lấy hàng trực tiếp sẽ có những voucher, giảm giá….
UGC – USER Generated Content (người dùng tạo nội dung - Người mua hàng chia sẻ để tăng niềm tin với nhãn hàng) cũng đang trở thành một xu hướng của thương mại điện tử. Xu hướng này thể hiện qua những comment, chia sẻ trải nghiệm của chính người đã mua sản phẩm.
Để có thể phát triển xu hướng này, người bán phải khuyến khích người tiêu dùng đã mua sản phẩm phản hồi về sản phẩm thông qua việc tặng quà, khuyến mại. Kết quả khảo sát cho thấy, 92% khách hàng tin vào nội dung người thân và bạn bè chia sẻ hơn là nội dung do thương hiệu tạo ra; 53% khách hàng thuộc thế hệ gen Y cho biết UGC ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.
2 xu hướng thương mại điện tử còn lại là ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR/AR) tăng tương tác với người tiêu dùng và xu hướng DTC (Ditect to Consumer) – doanh nghiệp trực tiếp bán sản phẩm đến khách hàng thông qua những cửa hàng chính hãng, website, fanpage, các trang thương mại điện tử mà không thông qua bất kỳ trung gian phân phối nào cả. “DTC cũng đang là xu hướng rất mạnh hiện nay và được dự báo cũng sẽ là xu hướng nổi bật của thương mại điện tử năm 2024. Và để làm được hình thức này thì đòi hỏi đơn vị bán hàng phải có nguồn lực rất mạnh”, bà Lan thông tin.
Thống kê cho thấy, hiện có 44% doanh nghiệp có sở hữu website thương mại điện tử; 80% website thương mại điện tử có tính năng tương tác trực tuyến (1/2 trong số đó có chatbox); 22% doanh nghiệp có website phiên bản di động; 22% doanh nghiệp sở hữu ứng dụng di động.